Chuyện Kể Dọc đường

Những con người yêu thích dịch chuyển và luôn có thiết bị chụp hình ở bên, họ là nhà báo, phóng viên ảnh, quay phim, nhiếp ảnh gia thời trang... Mỗi người chọn một nơi chốn, một khoảnh khắc ấn tượng trong những hành trình đã đi qua, để từ đó, những câu chuyện đầy cảm xúc dọc dải đất hình chữ S hiện ra với nhiều mảng màu thú vị.

Bức ảnh này chụp vào một buổi sáng sớm, khi chiếc xe chở đoàn làm phim “Kiều” dừng bánh trước một con dốc rất hẹp và ngoằn ngoèo, mọi người phải xuống đi bộ.

Tôi ngỡ ngàng xen lẫn vỡ oà trước khung cảnh quá đỗi kì vĩ và huyền ảo này: những ngọn núi và mây, sương dày quấn lấy nhau, ôm ấp nhau, những thân cây già xanh biếc, những loài thực vật đa dạng, nguyên sơ…

Tôi cứ thế đi xuống dốc và cuối cùng cũng nhìn thấy điều mình muốn: một ngọn núi kì lạ, nó có một lỗ thủng lớn. Đó là món quà cho chính tôi lúc đó. Tôi cảm thấy mình như chìm vào những chiều không gian khác nhau của những bộ phim thần thoại và giả tưởng. Tôi tận hưởng khoảng thời gian ít ỏi đó vì biết rằng nó sẽ trôi qua rất nhanh khi mặt trời lên cao.

Khoảnh khắc đẹp nhất luôn rơi vào sáng sớm và lúc chiều tà!

Tấm ảnh này tôi chụp vào lần đầu đến Sa Đéc cách đây 2 năm. Sau khi hoàn thành công việc, tôi đã dành một khoản thời gian nhỏ thưởng cho mình trôi theo những nhánh sông.

Trong ảnh là chị Nương trên chiếc ghe chở những giỏ hoa từ làng hoa Tân Quy Đông lên Sài Gòn bán ngày cận Tết. Lúc đó là khoảng 4-5 giờ sáng và tôi phát hiện ra một điều, chưa bao giờ tôi thấy bình minh có màu hồng tím đáng yêu đến vậy.

Tấm hình này tôi chụp vào tháng 12, khoảng thời gian lý tưởng để đến đồi cát Nam Cương, nơi được ví như một “tiểu sa mạc” với diện tích gần 700 hecta.

Nam Cương đẹp nhất lúc chiều tà, khi hoàng hôn dần xuống, toàn bộ bãi cát trắng được phủ màu vàng ruộm, đổ bóng thành tầng tầng lớp lớp.

Tôi đã dành hàng tiếng đồng hồ đi bộ trên cát với hành lý là bộ ống kính super tele to đùng chỉ để bắt kịp khoảnh khắc này, trước khi mặt trời lặn hẳn sau đồi cát.

Tôi đã từng đặt chân tới nhiều vùng đất có cảnh sắc hùng vĩ và ấn tượng như Bhutan hay Ấn Độ, nhưng không đâu có được sự bình yên như ở quê nhà. Và nếu phải chọn một khoảnh khắc trong những hành trình đã đi qua của mình, tôi chọn khoảnh khắc đoàn tụ với cô em gái nhỏ bé của tôi.

Thời gian cách ly xã hội, chúng tôi đã đi xe máy đến cắm trại và câu cá ở đập Ia Ring, cách nhà hơn 70km. Đây là đập chứa với mục đích thuỷ lợi được bao quanh bởi những cánh rừng cao su bạt ngàn.

Cũng ở đây, chúng tôi đã được ngắm dải ngân hà vắt ngang bầu trời đêm trong cái không khí se lạnh của núi rừng.

Đông Luật là một bờ biển lạ. Nổi tiếng với bãi cát trắng trải dài, nhưng mỗi dịp cuối tuần, bờ biển này không phải nơi tập trung du khách mà trở thành điểm tập kết hủy nổ các quả đạn pháo còn sót lại từ thời chiến tranh.

Mất bao lâu để dọn sạch các tàn dư của vật liệu nổ rải rác ở Quảng Trị? Một thành viên của lực lượng rà phá bom mìn (MAG) đưa ra con số khủng khiếp: “Phải hơn 100 năm”.

Hiện mỗi ngày, ngoài các vật liệu nổ được hủy tại chỗ, còn rất nhiều đầu đạn, bom, mìn có kích cỡ và sức công phá lớn được phát hiện, tất cả được đưa về điểm tập trung nơi bờ biển Đông Luật để phân loại và tiêu hủy ngay bãi cát mép biển. Vào ngày hủy các vật liệu nổ, những thành viên đội MAG đào hố sâu chừng hơn 1 mét, xếp từng vật liệu nổ vào và lắp đặt hệ thống dây dẫn kỹ thuật kích nổ.

Giữa cái thanh vắng đất trời, tiếng nổ rền vang như xé toang không gian yên tĩnh, kéo theo là hình ảnh ngoạn mục khi cát biển bắn vào không trung thành từng đụn cao ngất, đẹp như một bông hoa vụt nở trên nền cát.

Mỗi tiếng nổ từ vùng biển Đông Luật đồng nghĩa với Quảng Trị được thêm một phần diện tích đất đã rà phá sạch bom mìn. Tiếng nổ bom mìn trong chiến tranh là sợ hãi, là hủy diệt, là đau thương. Ở thời bình, cũng tiếng nổ ấy nơi miền biển Đông Luật lại là dấu chỉ của niềm vui, của mong vọng miền đất Quảng Trị sớm thoát khỏi tàn dư thời chiến.

Một trong những vùng biển mà tôi có cơ hội ghé thăm nhiều nhất chính là Nha Trang. Ngoài những khu du lịch nổi tiếng, Nha Trang còn có rất nhiều bãi biển đẹp hoang sơ, khác xa với hình ảnh tấp nập khi nhắc đến vùng đất này.

Mỗi lần đi dọc đường biển vịnh Cam Ranh, tôi có thể nghe rõ tiếng sóng vỗ, ngắm nhìn bầu trời trong xanh cao vút, những chiếc thuyền gỗ đủ màu sắc ngoài khơi, một khung cảnh khiến tôi không thể rời mắt. Khi đứng trước bãi biển một mình, ánh sáng trở nên sắc nét hơn, tai tôi nghe rõ hơn, tâm trí tôi hoàn toàn thoải mái, thoát ra khỏi những bộn bề cuộc sống.

Núi Lam Thành có trên bản đồ nhưng rất ít người biết đến, chủ yếu là dân địa phương vì nơi này vẫn thực sự hoang sơ và chưa làm du lịch. Tôi đã rất choáng ngợp trước những thảm cỏ xanh mướt và cả một rừng sim mọc xen kẽ những tảng đá lớn. Đứng trên đỉnh núi, cảm giác thật mãn nguyện khi cả thành phố Vinh và những nhánh sông Lam nằm gọn trong tầm mắt.

Ảnh được chụp từ Đập Đá hướng thẳng đến trung tâm thành phố Huế vào một ngày chuẩn bị có mưa giông. Bầu trời Huế xuất hiện mây vảy rồng – một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú rất hiếm gặp. Cả thành phố được nhuộm trong một màu vàng đỏ rực rỡ.