Kinh Nghiệm Khám Phá đảo Quan Lạn Của Gia đình Hà Nội

Ai thích tiện nghi nên sang bãi Minh Châu để thuê phòng, còn thích kiểu hoang sơ, không ồn ào thì ở bãi Quan Lạn hoặc bãi Robinson.

Kinh nghiệm khám phá đảo Quan Lạn của gia đình Hà Nội

Chị Nguyễn Thị Phương Thanh, Hà Nội có một con trai 4 tuổi khá nhát, sợ cát và biển. Để rèn luyện cho con và muốn du lịch ở nơi không quá đông đúc, chị quyết định cả gia đình 3 người đi chơi đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh. Dưới đây là kinh nghiệm chị rút ra sau chuyến đi vào dịp nghỉ lễ vừa qua.

Đi lại

Vì đi vào dịp nghỉ lễ, xe limousine (loại xe 9 chỗ chất lượng cao) không còn chỗ. Tôi gọi một nhà xe 45 chỗ, họ báo còn 3 ghế, đón ở ngã tư Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân sáng 28/4. Nhưng khi lên, tôi mới biết chỉ là ghế nhựa. Lúc này chồng tôi đã bàn lùi, về hoặc đi xe khác. Nghỉ ngày lễ chắc không còn xe nào nên tôi vẫn cố, sau có người xuống, hai mẹ con được ngồi ghế đệm, giá 120.000 đồng một vé.

Kinh nghiệm rút ra là bạn nên đón xe ở bến Mỹ Đình hoặc Yên Nghĩa để có ghế trước.

Cả nhà hào hứng với hành trình đi chơi đảo.

Cả nhà hào hứng với hành trình đi chơi đảo.

Ra đến cảng Cái Rồng, tôi mua vé tàu đi đảo Quan Lạn, giá 150.000 đồng mỗi người (trẻ em trên 2 tuổi tính như người lớn). Vì có kế hoạch trước, tôi mua luôn cả vé chiều về. Thời gian đi tàu ra đảo mất hơn một tiếng, sau đó có xe nhà nghỉ ra đón.

Lúc về cả nhà đi xe tuk tuk ra cảng, cách hai km nhưng họ tính theo chuyến, giá 100.000 đồng, xe xóc muốn bay ra ngoài. Về cảng Cái Rồng, cả nhà đón xe giường nằm đi Mỹ Đình ngay ở đây, giá 150.000 đồng mỗi giường, có cả nước uống và bánh ăn nhẹ (ngày thường giá là 120.000 đồng)

Nghỉ ngơi

Tôi đặt nhà nghỉ dạng container cạnh bờ biển ở bãi Quan Lạn. Giá trên trang đặt phòng trực tuyến là 575.000 đồng một đêm nhưng thực tế họ thu 600.000 đồng. Phòng khép kín dạng container lắp thạch cao xung quanh để ngăn phòng và trần, lợp mái cọ. Ưu điểm là ngắm được biển, có điều hòa nhưng phòng tôi đặt chỉ kê vừa đúng một giường 1,6 m nên chật chội, ai mang nhiều đồ thì không để được. Chỗ này cũng có loại phòng đôi nhưng khi đó đã hết và loại phòng rộng hơn nhưng lại không khép kín.

Nhà tắm có bệ bệt, bàn để bồn rửa mặt, gương, vòi sen nhưng không có nóng lạnh nên bất tiện. Nước ngọt trên đảo cũng đủ nên khách không lo không có nước tắm.

Ăn uống

Bữa đầu tiên ở nhà nghỉ, cả nhà hết 720.000 đồng gồm đĩa sá sùng chiên, đĩa bề bề, 10 con hàu nướng, cơm, rau muống xào, canh, thịt rang, nhưng không no vì cơm canh và thịt không hợp khẩu vị.

Bữa hải sản tối đầu tiên ở Quan Lạn của gia đình chị Thanh.

Bữa hải sản tối đầu tiên ở Quan Lạn của gia đình chị Thanh.

Bữa thứ hai, gia đình tôi vào trong làng (Quan Lạn) ăn thấy ngon, món đa dạng, đầy đặn và giá mềm hơn nhiều. Cả nhà 3 người hết 600.000 đồng, ăn no.

Buổi sáng ăn bún hải sản ở nhà nghỉ, giá 40.000 đồng một bát nhưng nước dùng nhạt, bát không đầy đặn.

Buổi tối chúng tôi đi ăn chè. Chè ở đây không nhiều loại, chủ yếu đỗ đen, đỗ xanh, trân châu, thạch nhưng ăn được, cốc không đá đầy tận miệng giá chỉ 10.000 đồng. Mọi người nên mang theo thêm ít đồ ăn nhẹ, đề phòng bị đói.

Chơi

Ngày 1: Chúng tôi đến nơi là hơn 15h, nhận phòng xong đi tắm luôn. Bãi Quan Lạn vắng vẻ hơn bãi Minh Châu, cát trắng nhưng không trắng bằng các bãi khác, nước biển trong xanh, sóng vừa phải.

Ngày 2: Cả nhà thuê xe máy dạo khắp đảo, giá 200.000 đồng mỗi ngày. Nếu khách theo nhóm có thể đi xe điện hoặc xe tuk tuk cho rẻ. Ở đảo có mấy điểm đi sau:

Bãi Minh Châu: Cách bãi Quan Lạn khoảng hơn 10 km, đông đúc, nhộn nhịp hơn hẳn các chỗ khác cả về khách và dịch vụ.

Bãi Robinson: Nằm giữa Quan Lạn và Minh Châu nhưng gần với Minh Châu hơn. Bãi này có duy nhất một nhà nghỉ sát biển, không có dịch vụ gì khác, đúng kiểu hoang đảo. Đường vào nhỏ, gập ghềnh, không có biển chỉ dẫn nên tôi mò mãi mới thấy. Nhưng bãi này đẹp nhất, nhà nghỉ xinh xắn nằm giữa rừng thông.

Qua bãi Minh Châu một đoạn là một bãi không tên, vắng vẻ, không có dịch vụ nhưng cát trắng tinh, chụp hình rất đẹp.

Bãi tắm ở đảo Quan Lạn ghi điểm với chị Thanh vì thoải, sóng êm, cát trắng.

Bãi tắm ở đảo Quan Lạn ghi điểm với chị Thanh vì thoải, sóng êm, cát trắng.

Eo gió, đình Quan Lạn: Tôi không đi vào nhưng cả hai đều khá nổi tiếng ở đây.

Sau khi đi dạo khắp đảo, chiều tôi cho bé trai ra tắm tiếp để quen dần với cát và biển. Sóng ở đây êm nên bé đã chịu bơi phao. Tối cả nhà đi bộ vào làng ăn rồi mua ruốc tép và chả để làm quà.

Ngày 3: Sáng dậy cả nhà dọn đồ đạc rồi ra bãi đá ở bờ biển chụp ảnh nhưng lại bị mưa. Ăn sáng xong tôi gọi xe ra cảng lên tàu đi về.

Sau chuyến này, tôi thấy ai thích tiện nghi và dịch vụ tốt hơn nên sang bãi Minh Châu để thuê phòng. Còn ai thích kiểu hoang sơ, không đông đúc, ồn ào thì ở bãi Quan Lạn hoặc bãi Robinson.