Những ngôi chùa nổi tiếng tại Quảng Ninh khai hội đầu năm

Chùa Ba Vàng, chùa Ngọa Vân và Khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử sẽ khai hội vào những ngày đầu xuân sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Kỷ Hợi.

Khai hội xuân chùa Ba Vàng

Như thông lệ, ngày 12.2.2019 (tức mồng 8 Tết Kỷ Hợi), sẽ diễn ra Lễ khai Hội xuân chùa Ba Vàng năm 2019. Chùa Ba Vàng nằm trên núi Thành Đẳng, phường Quang Trung, TP Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh). Đây không chỉ là nơi học Phật, hiểu Phật, tu Phật, mà còn là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Uông Bí Quảng Ninh

 Ngay sau khi tiếng trống khai hội hàng ngàn phật tử đã tới cầu phúc tại chùa.
Hội xuân chùa Ba Vàng là một trong những lễ hội lớn của TP Uông Bí dịp đầu xuân với các hoạt động chúc phúc đầu năm và các chương trình biểu diễn nghệ thuật.
Chùa được xây cách đây 300 năm, từ năm Ất Dậu 1706 triều vua Lê Dụ Tông do vị sư tổ đầu tiên khai sáng là Đại thiền sư Ma Ha Sa Môn Tuệ Bích Phổ Giác. Chùa gốc hiện nay không còn. Tuy nhiên, được sự quan tâm của chính quyền, ngành chức năng, đặc biệt là tấm lòng hảo tâm của các phật tử, của nhân trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã đóng góp xây dựng chùa ngày càng khang trang hưng thịnh. Hiện, chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử và văn hoá nghệ thuật với những di vật được tìm thấy bằng đá, gốm sứ có niên đại từ thế kỷ XIII, XIV.

Hội xuân chùa Ba Vàng là một trong những lễ hội lớn của TP Uông Bí dịp đầu xuân với các hoạt động chúc phúc đầu năm và các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Ngày khai Hội xuân chùa Ba Vàng năm nay đã thu hút hàng nghìn tăng ni, phật tử trong và ngoài tỉnh hành hương về tham quan, vãng cảnh và lễ Phật.

Lễ hội xuân chùa Ba Vàng sẽ diễn ra đến hết tháng 1 âm lịch để cho du khách thập phương tới tham quan, chiêm bái.

Khai hội Xuân Yên Tử

Theo truyền thống, lễ khai Hội xuân Yên Tử 2019  được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng (ngày 14/2/2019) tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử.

Nhiều hoạt động văn hóa xã hội được tổ chức tại lễ khai hội như chọi gà, trò chơi kéo co, ném còn, biểu diễn nghề thêu thủ công, các điệu múa truyền thống của người đồng bào dân tộc Dao Thanh Y tại Yên Tử; Biểu diễn nghệ thuật múa Rồng, Lân, võ thuật cổ truyền; tổ chức giải cờ tướng Yên Tử; tổ chức biểu diễn nghệ thuật tại địa điểm Cầu Thủy Đình, suối Giải oan và các sân ga cáp treo; Trưng bày hoa mai vàng Yên Tử tại sân trung tâm lễ hội.

Lễ khai Hội xuân Yên Tử 2019 sẽ được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử.
Lễ khai Hội xuân Yên Tử 2019 sẽ được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử.

Theo ban quản lý di tích và Rừng Quốc gia Yên Tử, năm 2019, TP Uông Bí (Quảng Ninh) đã chỉ đạo các ngành, đơn vị triển khai kế hoạch đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, kiểm soát, quản lý thị trường chặt chẽ. 

Cảnh quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử năm nay được cải tạo làm mới, rộng rãi . Các hạng mục dịch vụ phục vụ nhu cầu du khách như: bãi đỗ xe, khu đón tiếp, khu ăn uống được bố trí khoa học. Đặc biệt khu vực An Kỳ Sinh, chùa Đồng, do địa hình hiểm trở, để tránh ùn tắc, đảm bảo an toàn, các đơn vị liên quan sẽ có phương án phân luồng giao thông, thống nhất hướng dẫn hướng đi cho du khách.

Năm 2019, công tác vệ sinh môi trường được thực hiện thường xuyên ngay từ ngã ba Dốc Đỏ (phường Phương Đông) đến Khu di tích và danh thắng Yên Tử. Các thùng rác được lắp đặt bổ sung trên toàn tuyến đường hành hương và tại những điểm tập trung đông du khách.

Hiện tuyến đường vào khu di tích đoạn từ Dốc Đỏ đến ngã tư Nam Mẫu đã hoàn thành, đảm bảo hạ tầng giao thông cho mùa lễ hội. Đặc biệt, mùa Hội xuân năm nay TP Uông Bí đã lắp đặt các điểm phát sóng wifi miễn phí; nghiên cứu hệ thống gửi tin nhắn tự động cho du khách khi về với Yên Tử. Lắp đặt màn hình led cỡ lớn tại khu vực Dốc Đỏ để quảng bá hình ảnh, đăng tải thông tin hướng dẫn cần thiết khi du khách về Yên Tử. 

Khai hội Xuân Ngọa Vân

Chùa Ngọa Vân là 1 trong 4 ngôi chùa nằm trong 14 di tích thuộc khu di tích lịch sử Quốc gia nhà Trần tại Đông Triều. Theo thông lệ hàng năm, lễ hội Xuân Ngọa Vân 2019 (Đông Triều, Quảng Ninh) sẽ khai mạc vào mùng 9/1 năm Kỷ Hợi (tức 13/2/2019) và kéo dài trong 3 tháng.

Đây hoạt động văn hóa với ý nghĩa hướng về cội nguồn, là dịp để các tầng lớp nhân dân, cùng phật tử và du khách thập phương về miền đất Phật dâng hương, vãn cảnh, bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức của Phật hoàng Trần Nhân Tông đối với đạo pháp dân tộc, những giá trị tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm và cầu phúc, cầu tài cho một năm mới an lạc. 

Chương trình lễ hội gồm 2 phần, trong đó phần lễ sẽ diễn ra các hoạt động như: gióng trống, thỉnh chuông khai hội, cầu quốc thái dân an. Bên cạnh đó, tại khu vực chùa Ngọa Vân và sân cáp treo Ngọa Vân sẽ tổ chức nhiều hoạt động phong phú thuộc phần hội như: giao lưu văn nghệ của các câu lạc bộ hát chèo địa phương; các hoạt động thể thao và trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt bắt vịt, bắt trạch trong chum, ném còn...

Đường lên chùa Ngọa Vân ngày khai hội
Đường lên chùa Ngọa Vân ngày khai hội

Nằm trên núi Bảo Đài thuộc thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, chùa Ngọa Vân được khởi dựng vào thời nhà Trần, là di tích quan trọng bậc nhất trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại thị xã Đông Triều.

Đây là nơi Vua Trần Nhân Tông tu thiền và học đạo rồi sáng lập nên thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Chùa Ngọa Vân cũng được coi là “thánh địa” của Phật giáo Trúc Lâm nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.