Lễ Hội Chùa Quỳnh Lâm Đông Triều Quảng Ninh

Là một trong những trung tâm văn hoá Phật giáo tiêu biểu bậc nhất thời Lý - Trần, chùa Quỳnh Lâm ở huyện Đông Triều đã có những bằng chứng về sự hội nhập Phật, Nho và Đạo. Ai đã đến đây đều có một cảm xúc riêng về vùng đất thấm đẫm chất huyền thoại từ ngàn năm trước, cha ông chúng ta đã có những hoài bão to lớn trong việc xây dựng những công trình lớn

Ngày nay, thời gian đã làm cho tất cả những gì tồn tại ở đây đều bị tàn phá. 

Để tìm ra dấu vết của sự hội nhập Phật, Nho, Đạo thì các nhà sử học đã đặt ra ba loại cứ liệu:

+ Thứ nhất, sự tích các nhân vật “truyền thừa” ở chùa Quỳnh Lâm còn biết được như Không Lộ, Pháp Loa...

+ Thứ hai, những truyền thuyết, giai thoại về chùa Quỳnh Lâm mà nhân dân quanh vùng vẫn kể.

+ Thứ ba, thơ văn của Bích Động thi xã, một thi xã gắn bó mật thiết với chùa Quỳnh Lâm vào thời Lý - Trần. Lần lượt, các mảng tài liệu nói trên bổ sung cho nhau, đã rọi một vài tia sáng vào màn tối của quá khứ, giúp nhận dạng phần nào các lớp nền đã bồi đắp thành bề dày văn hoá ở Quỳnh Lâm.

Với nhân vật thiền sư Không Lộ và các truyền thuyết xoay quanh Không Lộ thời Lý, như việc đúc tượng đồng chùa Quỳnh Lâm. Riêng đúc pho tượng Di Lặc bằng đồng lớn từ thời Lý - Trần không những chứng tỏ trình độ đúc đồng đạt đến đỉnh cao mà còn nói lên những hoài bão to lớn của cha ông chúng ta trong việc xây dựng những công trình lớn, càng khẳng định thêm danh tiếng cho Quỳnh Lâm, một thời được mệnh danh là Thiên Nam đệ nhất danh lam cổ tích. Rồi truyền thuyết về các phép thuật siêu việt của Không Lộ, ta thấy hiện diện ở đây một nền văn hoá Phật giáo bắt rễ sâu vào văn hoá dân gian bản địa cổ truyền, kể cả tín ngưỡng Đạo giáo đã được dân gian hoá từ lâu đời.

Nơi thờ Trúc Lâm Tam Tổ tại chùa Quỳnh Lâm.
Nơi thờ Trúc Lâm Tam Tổ tại chùa Quỳnh Lâm.

Lễ hội chùa Quỳnh Lâm rất nổi tiếng trước đây có gốc rễ xa xưa chính là dựa trên cơ sở đó.

Triết lý dân gian đã làm cho tư tưởng nhà Phật thêm khoẻ mạnh, và các hình thức sinh hoạt dân gian phong phú giúp nó thâm nhập sâu vào đời sống của người dân... Trải qua quá trình lịch sử và chiến tranh tàn phá, đến nay huyện Đông Triều đã vận động nhân dân và các tổ chức đóng góp kinh phí để trùng tu, mở rộng, xây nhà bia, dựng gác chuông, nơi thờ Trúc Lâm Tam Tổ và một số công trình giao thông kết nối với các di tích khác...

Có thể nói, Lễ hội chùa Quỳnh Lâm mang hồn của lễ hội khu vực, ảnh hưởng xã hội của Lễ hội chùa Quỳnh Lâm là uy tín của một trung tâm Phật giáo lớn trong lịch sử.

Lễ hội chùa Quỳnh Lâm hàng năm được UBND xã Tràng An tổ chức từ mùng 1 đến hết mùng 4 tháng 2 (âm lịch). Khai lễ, khách thập phương và nhân dân trong xã cùng rước lễ về cúng Phật, sau đó trong khuôn viên chùa diễn ra các hoạt động văn hoá thể thao sôi động của nhân dân trong xã.

Du khách đến với Quỳnh Lâm đều bồi hồi về một thời quá khứ huy hoàng của ngôi chùa gần nghìn năm tuổi. Song đều đánh giá là tổ chức lễ hội chưa thực sinh động, phong phú và thậm chí là còn nhạt. Và thêm nữa, cả hai bên con đường vào chùa là những quán dựng tạm bán hàng tạp hoá, tranh ảnh, đồ chơi nhựa, quay số trúng thưởng ầm ĩ chẳng có gì là dấu ấn của Lễ Hội chùa Quỳnh Lâm đã làm cho cảm xúc của du khách không còn được trọn vẹn khi đến nơi này ngày xuân...

Để Lễ hội chùa Quỳnh Lâm có một tầm cao mới, đúng với giá trị văn hoá đã có trong lịch sử, cần tìm được bản sắc riêng của Lễ hội chùa Quỳnh Lâm trong Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều dưới góc độ văn hoá. Nghĩa là, tìm ra cho Lễ hội chùa Quỳnh Lâm một bản sắc riêng thật khoa học, đó là những nét “không đâu có” trong lịch sử để mở rộng tầm ảnh hưởng và tạo thương hiệu riêng của Trung tâm Phật giáo Quỳnh Lâm trong Khu di tích nhà Trần ở Đông Triều - một điểm du lịch văn hoá tâm linh không riêng của Quảng Ninh.

_____________

Thông tin thêm về Khu di tích nhà trần tại Đông Triều 

www.nhatranodongtrieu.vn