Ý nghĩa tên gọi các phường, xã ở Cẩm Phả

Căn cứ vào địa dư, địa chí nổi bật, truyền thống, phong tục, tập quán của người dân địa phương và mong muốn, ước mơ chung của phần lớn người dân Cẩm Phả mà từ đó tên gọi của các phường, xã tại đây đã ra đời.

Mặc dù trải qua nhiều giai đoạn của lịch sử, nhiều lần thay đổi tên gọi nhưng hầu hết các tên gọi đều có ý nghĩa rất hay và được người dân gửi gắm, ký thác nhiều ước mơ, hoài bão, nguyện vọng về một cuộc sống tốt đẹp, sung túc, thanh bình, hạnh phúc vào trong tên gọi ấy.

Xã Cẩm Hải

Vào đầu thế kỷ thứ XIX, Cẩm Hải là một vùng rừng rậm hiểm trở nằm kề với dòng sông chạy dài từ Cửa Ông đến tận Mũi Chùa thuộc huyện Tiên Yên. Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, nơi đây có tên là Cái Thấp, sau này gọi là xã Văn Châu. Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Tháng 6/1947 nhân dân xã Văn Châu tiến hành tổ chức hội nghị tại núi Danh (Đầm Cói) thành lập chính quyền lâm thời. Hội nghị thông qua việc đổi tên xã Văn Châu thành xã Sinh Châu (lấy tên của một liệt sỹ là người con của xã đã hy sinh trong một trận đánh chống thực dân Pháp). Đến tháng 10/1947, Hội nghị quân dân chính họp tại núi Cống Cùng (Đầm Cháo) lại thống nhất đổi tên xã Sinh Châu thành Văn Châu. Đến năm 1980, xã Văn Châu tách ra khỏi huyện Cẩm Phả trở thành đơn vị hành chính thuộc thị xã Cẩm Phả (nay là thành phố Cẩm Phả). Tháng 8/1981, xã Văn Châu tái lập và đổi tên thành xã Cẩm Hải cho đến ngày nay. 

Về ý nghĩa việc đặt tên gọi Cẩm Hải: “Cẩm” là yếu tố đầu tiên trong tên gọi của đơn vị lớn hơn là thị xã Cẩm Phả để ghép với từ "Hải' (với ý nghĩa là biển), vì người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề biển nên có chữ sau là “Hải” thành “Cẩm Hải”. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng do quá trình di cư đến Cẩm Phả sinh sống, đồng bào miền Đông (chiếm 90% dân số của xã) đã lấy tên của nơi ở cũ là Hải Ninh ghép với Cẩm Phả để đặt tên cho vùng đất mới mà họ định cư, tên gọi “Cẩm Hải” cũng bắt nguồn từ đó.

Xã Cộng Hòa

Lễ hội đại phan của người Sán Dìu xã Cộng Hòa (Cẩm Phả) ảnh Báo QN
Lễ hội đại phan của người Sán Dìu xã Cộng Hòa (Cẩm Phả)

Vào thế kỷ XIX nơi đây là vùng rừng núi và biển liền kề, đất đai hoang dã, với sức người và lao động thủ công lạc hậu, đời sống kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào cấy lúa và trồng hoa màu, tự cung tự cấp, giao thông đi lại khó khăn.

Tháng 2/1947, thực dân Pháp kéo vào xã Hà Gián để xây dựng bộ máy chính quyền thực dân phong kiến nhằm tăng cường bảo vệ khu mỏ Cẩm Phả. Chúng chia xã Hà Gián thành 3 xã nhỏ: thôn Hà Loan (là xã Hà Dụm), bộ phận người Kinh lập ra (xã Hà Gián Nam), bộ phận người dân tộc lập ra xã (Hà Gián Nùng) chính quyền mới của 3 xã là “tổng Hà Gián”. Mỗi xã đều có Lý trưởng, phó Lý, cùng bộ máy hành chính của xã. Ngoài ra, chúng còn bổ nhiệm thêm Chánh tổng để tăng cường hệ thống tề ngụy. Hà Gián lúc này trực thuộc châu Ba Chẽ dưới sự kiểm soát của thực dân Pháp. Cuối năm 1949, huyện Cẩm Phả tăng cường củng cố đội trừ gian. Lực lượng dân quân xã kết hợp với công an huyện trực tiếp phá tề, diệt phản động, xây dựng cơ sở Đảng ngay tại thôn Hà Gián. Ngày 28/7/1954, quân Pháp rút khỏi Hà Gián theo đường bộ ra bến tàu Cửa Ông. Các lý trưởng Hà Gián Nam, lý trưởng Hà Dụm và thư ký hội tề đã mang giấy tờ, ấn tín nộp cho cách mạng. Ngày 8/11/1954, xã Hà Gián chính thức đổi tên thành xã Cộng Hòa thuộc huyện Cẩm Phả, tỉnh Hồng Quảng. Thực hiện quyết định số 17-CP ngày 16/9/1979 của Hội đồng Chính phủ, huyện Cẩm Phả (nay là huyện Vân Đồn) bàn giao xã Cộng Hòa cho thị xã Cẩm Phả quản lý.

Việc đặt tên là xã Cộng Hòa có ý nghĩa dễ hiểu nhất trong tất cả 16 phường xã, đó là “cộng vào hòa ra” của 3 xã nhỏ thời thuộc Pháp là thôn Hà Loan, xã Hà Gián Nam, xã Hà Gián Nùng (cả 3 xã là tổng Hà Gián) thành xã Cộng Hòa ngày nay.

Phường Mông Dương

Phường Mông Dương có địa hình chủ yếu là đồi núi. Phía Bắc tiếp giáp với xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ; phía Đông giáp phường Cửa Ông, xã Đoàn Kết (Huyện Vân Đồn), phía nam tiếp giáp với phường Cẩm Đông, Cẩm Tây; phía tây giáp xã Dương Huy.

Năm 1884, Vua Tự Đức ký hiệp ước Patenotre công nhận sự bảo hộ của Pháp. Thay mặt triều đình nhà Nguyễn, Tổng Đốc Tôn Thất Bật đã ký kết hiệp ước bán vùng Đông Triều, Uông Bí, Hòn Gai, Cẩm Phả cho Pháp với giá 25 vạn đồng. Ngày 24 tháng 8 năm 1886, Bavieaupour thành lập công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ độc quyền chiếm đoạt và khai thác than vùng Hòn Gai, Cẩm Phả, Mông Dương.

Năm 1888, Pháp cho tiến hành thăm dò khai thác than trên cơ sở những đường lò cũ của dân bản xứ là người Sán Dìu, Thanh Phán, Kinh, Tày, Hoa đã khai thác từ trước, còn ở Mông Dương, thực dân Pháp chủ yếu tiến hành khai thác than lộ thiên.

Do phải khai thác than ở độ cao hơn so với mực nước biển nên người Pháp gọi là “Le Fond de mines” tức là “Đáy mỏ” đọc phiên âm tiếng việt là “Moong Dương”. Theo thời gian tên gọi này được gọi chệch là “Mông Dương” cho đến ngày nay.

Phường Cửa Ông

Vào đầu Công nguyên, với vị trí và địa hình thuận lợi để xây dựng cảng biển, Cửa Ông đã là một bến thuyền giao thương bằng đưòng thuỷ từ đồng bằng sông Hồng tới vùng biên cương Đông Bắc (Việt Nam) và Đông Nam (Trung Quốc). Bến thuyền Cửa Ông thời ấy được gọi là Cửa Suốt. Từ khi trên bến Cửa Suốt lập miếu thờ Đức Ông (thờ Trần Quốc Tảng và tướng quân Hoàng Cần), Cửa Suốt được đổi thành “Cửa Đức Ông”. Về sau người dân địa phương gọi gọn lại là “Cửa Ông”. Tên gọi Cửa Ông ra đời từ đó và trở thành quen thuộc với người dân địa phương.

Chính vì thế, Cửa Ông được dùng để đặt tên cho một số địa danh khác trong vùng. Sau này có một lần Cửa Ông được gọi bằng tên khác, đó là vào tháng 11 năm 1950 chính quyền bảo hộ Pháp đổi châu Cẩm Phả thành quận Cẩm Phả gồm có hai thị xã là “CamPha Lemines” (tức là Cẩm Phả Mỏ, vì khu vực này có nhiều mỏ than), còn Cửa Ông gọi là “CamPha Leport de bateau” (tức là Cẩm Phả Bến vì ở đây có bến tàu). Những năm đầu thế kỷ XX, việc khai thác than ở khu vực Cẩm Phả phát triển nhanh chóng. Lúc này, Công ty Pháp mỏ than Bắc Kỳ “Société Francaise des charbonnages du Tonkin”, viết tắt là (S.F.C.T). không thể chuyên chở than bằng lừa, ngựa, xà-lan, xà-lúp về bến tàu Hòn Gai như trước. Vì thế, họ muốn xây dựng một cảng than trong khu vực Cẩm Phả. Địa điểm được lựa chọn xây dựng cảng là Cửa Ông, nơi có bến thuyền Cửa Suốt năm xưa. Cảng Cửa Ông ra đời từ đó (năm 1924).

Phường Cẩm Thịnh

Phường Cẩm Thịnh nằm ở phía đông của thành phố Cẩm Phả có chiều dài hơn 2km chạy dọc Quốc lộ 18A, phía tây giáp phường Cẩm Phú, phía đông giáp phường Cửa Ông, phía nam là vịnh Bái Tử Long, phía bắc là đồi núi.

Năm 1981, thực hiện Quyết định số 63-HĐBT ngày 10/9/1981 “v/v phân vạch địa giới một số phường xã thuộc tỉnh Quảng Ninh”. Theo đó thì phường Cẩm Thịnh được thành lập trên cơ sở giải thể thị trấn Cọc 6 và xã Thái Bình. Việc khó nhất đặt ra cho lãnh đạo phường và thị xã lúc này là việc đặt tên cho phường, bởi ở khu vực này không có di tích lịch sử, anh hùng, danh nhân văn hóa… nó chỉ có tên chung từ trước đó là xã Thái Bình (ý nói đời sống nhân dân luôn được yên ổn, an vui với nhà cửa, nghề nghiệp, họ hàng, xóm làng, phép tắc và đạo đức). Do vậy chính quyền địa phương và lãnh đạo thị xã sau khi tham khảo rất nhiều ý kiến các tầng lớp người dân trong vùng đều có mong ước, khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp, quê hương giàu có, thịnh vượng. Hội đồng quyết định lấy từ “Cẩm” là yếu tố đầu tiên trong tên gọi của đơn vị lớn hơn là thị xã Cẩm Phả sau đó ghép với từ “Thịnh” thành “Cẩm Thịnh”.

Địa danh này có ý nghĩa rất hay và ước vọng đó của họ đã được gửi gắm vào tên gọi, ký thác nhiều ước mơ, hoài bão, nguyện vọng về một cuộc sống tốt đẹp, sung túc, an lành, hạnh phúc, lấy sự “cần, kiệm, liêm, chính” làm mục tiêu sống, luôn cố gắng vươn lên trong mọi hoàn cảnh để đạt được những thành quả cao nhất, tốt đẹp nhất.

Phường Cẩm Phú

Cuối năm 1957, Ban cán sự thị xã Cẩm Phả đã chỉ đạo việc thành lập ủy ban hành chính ở xã Thái Bình (tên gọi trước của phường Cẩm Phú). Ngày 18/3/1969 Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ra Quyết định số 142-QĐ/NV về việc thành lập “Thị trấn Cọc 6”. Năm 1981, thực hiện Quyết định số 63-HĐBT ngày 10/9/1981 “v/v phân vạch địa giới một số phường xã thuộc tỉnh Quảng Ninh”. Theo quyết định thì phường Cẩm Phú được thành lập trên cơ sở giải thể thị trấn Cọc 6 và xã Thái Bình để hình thành ra hai phường mới là Cẩm Thịnh và Cẩm Phú.

Chính quyền địa phương và lãnh đạo thị xã sau khi tham khảo rất nhiều ý kiến các tầng lớp người dân trong vùng đều có mong ước, khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp, quê hương giàu có, thịnh vượng. Do đó, hội đồng quyết định lấy từ “Cẩm” là yếu tố đầu tiên trong tên gọi của đơn vị lớn hơn là thị xã Cẩm Phả sau đó ghép với từ ‘Phú” thành “Cẩm Phú” (có nghĩa là giàu có). Địa danh này có ý nghĩa rất hay và ước vọng đó của họ đã được gửi gắm vào tên gọi, ký thác nhiều ước mơ, hoài bão, nguyện vọng về một cuộc sống tốt đẹp, sung túc, an lành, hạnh phúc vào trong tên gọi đó.

Phường Cẩm Sơn

Phường Cẩm Sơn nằm ở phía đông của thành phố Cẩm Phả, phía nam giáp vịnh Bái Tử Long, phía tây giáp phường Cẩm Đông, phía đông giáp phường Cẩm Phú, phía bắc giáp xã Dương Huy. Thời kỳ phong kiến, dân cư thưa thớt. Dân bản địa chủ yếu là người dân tộc Sán Dìu, người Hoa, sinh sống chủ yếu bằng nghề khai thác lâm sản, làm nương rẫy và nghề biển. Sau khi thực dân Pháp chiếm đóng khu mỏ, tiến hành khai thác than, tuyển mộ dân từ các tỉnh đồng bằng ra làm phu mỏ được tập trung tại Lán Độc Lập (đến khi giải phóng khu mỏ năm 1955 còn có tên gọi là Tiểu khu cọc 3 là đơn vị hành chính thuộc Ủy ban nhân dân thị xã Cẩm Phả. Sở dĩ mang tên là Độc lập là vì nó nằm tách biệt riêng khỏi Cẩm Sơn và Cẩm Đông).

Đến những năm 80 tính đến chuyện đặt tên cho khu vực này cũng là một việc khó, bởi cũng giống như hai phường Cẩm Phú, Cẩm Thịnh là không có tích gì đặc biệt, hơn nữa nếu để tên cũ thì không phù hợp khi viết khẩu hiệu tuyên truyền…Do đó, họ quyết định lấy từ “Cẩm” là yếu tố đầu tiên trong tên gọi của đơn vị lớn hơn là thị xã Cẩm Phả sau đó ghép với từ “Sơn” vì ở đây có dãy núi Linh Sơn. Sau khi tổ chức rất nhiều cuộc họp bàn, thảo luận của lãnh đạo địa phương và đưa ra tham khảo ý kiến người dân. Tuy nhiên cũng không tìm ra được cái tên nào hay và ý nghĩa hơn như tên đã đề xuất. Cuối cùng tên gọi “Cẩm Sơn” được thông qua HĐND, báo cáo tỉnh ra quyết định phê duyệt công nhận. Từ tháng 9/1981, tên gọi “phường Cẩm Sơn” được hình thành sau khi hợp nhất 3 đơn vị: xóm Thống Nhất (xã Cẩm Bình), xóm Bình Thượng (thuộc thị trấn Cọc 6) và Tiểu khu cọc 3 và trở thành đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh ngày nay.

Phường Cẩm Đông

Lịch sử phường Cẩm Đông là một phần rất quan trọng của lịch sử thành phố Cẩm Phả, bởi từ khi thực dân Pháp tiến hành khai thác than ở vùng mỏ thì người Pháp đã xây dựng nơi đây trở thành trung tâm đô thị, kinh tế thương mại, là đầu mối giao thông bao gồm đường sắt, đường thủy, đường bộ kết nối của cả vùng Cẩm Phả lúc bấy giờ. Nhiều khu phố được mang tên Pháp như Bordeaux (phố Đoàn Kết); Lyon (phố Quang Trung); Marseille (Hoàng Văn Thụ) Chợ cũ là khu chợ chính thức đầu tiên, trở thành trung tâm đô thị, trung tâm buôn bán và các hoạt động thương mại của Cẩm Phả lúc bấy giờ. Tại địa bàn này tập trung những người giàu có làm chủ các cửa hàng tạp hóa, hiệu cao lâu, mằn thắn, nhà chụp hình, nhà thuốc, quán café, phở, hiệu thuốc bắc, thuốc tây, tiệm vàng, tiệm đồng hồ, tiệm nhổ, cấy răng…. Ngoài ra còn có bến tàu làm đầu mối giao thông thủy, xưởng sửa chữa cơ khí.

Phố cũ (phường Cẩm Đông ngày nay) có đóng góp rất quan trọng trong cuộc Tổng Bãi công của thợ mỏ vào tháng 11/1936, các sự kiện chính của cuộc bãi công đều diễn ra trên địa bàn này. Đặc biệt trong suốt quá trình diễn ra cuộc bãi công, vào những thời điểm khó khăn nhất, khi các gia đình thợ mỏ đã cạn kiệt lương thực, thực phẩm dự trữ thì các hộ dân tiểu thương, các hiệu buôn, các đại lý, công chức đã có nhiều hình thức tương trợ, giúp đỡ công nhân mỏ như: bán chịu lương thực, thực phẩm, tổ chức quyên góp gạo tiền để ủng hộ những người tham gia bãi công. Thậm chí có những gia đình ngoài việc quyên góp vật chất, họ còn tham gia trực tiếp vào các cuộc đấu tranh của phu mỏ tạo nên một hậu phương, hậu cần vững chắc góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng bãi công, trong đó có phần đóng góp quan trọng của người dân phố cũ.

Phường Cẩm Đông được thành lập bởi sự hợp nhất của 2 Tiểu khu Đông Hải và Tiểu khu Lán Ga cùng với đó là tiếp nhận 2 đơn vị Hải Sơn và Diêm Thủy (thuộc xã Cẩm Bình) từ tháng 8/1981.

Để cho dễ nhớ và dễ phân biệt giữa hai địa bàn phố cũ và phố mới. Chính quyền thị xã quyết định lấy con đường lên mỏ than Đèo Nai, nơi khởi đầu cho cuộc tổng bãi công (ngày nay là đường 12-11) để làm ranh giới giữa hai phường có từ thời Pháp thuộc. Phía tây (tức là khu phố mới) gọi là phường Cẩm Tây. Khu vực phía đông (tức là khu phố cũ) gọi là phường Cẩm Đông như tên gọi ngày nay

Phường Cẩm Bình

Vào những năm trước cách mạng Tháng 8 năm 1945, chính quyền Châu Cẩm Phả gọi xã Cẩm Bình là Khu Vườn Nhãn, Hòn Một, Vườn Chè, Lò Vôi, Lò Gạch, Tân Ấp, Bến Gio, Lán Rau…

Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 xã Cẩm Bình được chia thành 11 xóm. Địa giới xã Cẩm Bình lúc ấy phía đông giáp xóm Bình Thượng (xã Thái Bình), phía tây giáp khu Đồi Xôi và xã Tam Hợp, phía Bắc giáp Tiểu khu Cọc 3, khu Đông Hải, Nam Hải, phía nam giáp với Vịnh Bái Tử Long. Phía đông đường Bến tàu người dân thường gọi là “Cẩm Bình Đông”, phía tây đường Bến tàu người ta gọi là “Cẩm Bình Đông”. Chiều dài của xã trải dài 6 km theo hướng đông tây (từ Chùa Phả Thiên đến tận Bến Gio). Để cân đối sự phát triển trên địa bàn, năm 1973 thị xã Cẩm Phả chuyển giao diện tích và các hộ ở phía bắc đường 18A thuộc xóm Hòn Một về Tiểu khu Đồi xôi (nay là địa phận phường Cẩm Thành). Năm 1981, chuyển giao các xóm phía đông đường Bến tàu, xóm Cẩm Tiến khu Bến Gio để thành lập các phường Cẩm Sơn, Cẩm Đông, Cẩm Trung. Năm 2000 chuyển một phần diện tích và dân số xóm Minh Hòa về phường Cẩm Thành. Ngày 16/8/2001 Nhà nước có quyết định chuyển xã Cẩm Bình thành phường Cẩm Bình.

Phường Cẩm Tây

Phường Cẩm Tây tiền thân có tên là Phố Mới (thuộc Châu Cẩm Phả) do chính quyền thực dân phong kiến đặt tên. Đại bộ phận dân cư là nhân dân các dân tộc từ các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ làm phu than cho chủ mỏ ở vùng đất này, họ sống tập trung ở khu Lán Gianh, Mông Giăng, Núi Trọc, Lộ Trí. Cùng với khu Phố Cũ (địa phận phường Cẩm Đông ngày nay), Phố Mới là một trong những địa danh được hình thành sớm nhất ở Châu Cẩm Phả trước đây bao gồm nhiều dãy phố được người Pháp đặt tên: phố Panl Doumer (phố Phan Chu Trinh); phố Délégation (Phố Hồ Tùng Mậu); phố Lafaelte (phố Phan Đình Phùng). Trên các khu phố này là các nhà băng, nhà bưu chính, nhà cai ký giám thị, là khu phố của lớp thượng lưu và công chức xứ than. Tại khu phố mới là trung tâm kinh tế, văn hóa, tập trung chủ yếu là các công trình kiên cố do người Pháp xây dựng và những năm đầu của thế kỷ XIX.

Năm 1956, Ủy ban hành chính Cẩm Phả thành lập các Ban hành chính khu phố, trong đó có khu phố Nam Hải (tên gọi của phường Cẩm Tây lúc bấy giờ). Năm 1975, Ủy ban hành chính Quảng Ninh giải thể các ban hành chính khu phố để thành lập các Tiểu khu, theo đó khu phố Nam Hải trở thành Tiểu khu Nam Hải và Tiểu khu Lao Động. Ngày 10/9/1981 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng CP) ra quyết định số 63-HĐBT về việc hợp nhất hai tiểu khu để thành lập phường Cẩm Tây. 

Để cho dễ nhớ và dễ phân biệt giữa hai địa bàn phố cũ và phố mới. Chính quyền thị xã quyết định lấy con đường lên mỏ than Đèo Nai, nơi khởi đầu cho cuộc tổng bãi công (ngày nay là đường 12-11) để làm ranh giới giữa hai phường có từ thời Pháp thuộc. Khu vực phía đông (tức là khu phố cũ) gọi là phường Cẩm Đông. Phía tây (tức là khu phố mới) gọi là phường Cẩm Tây như tên gọi ngày nay.

Phường Cẩm Thành

Trước năm 1936, Cẩm Phả là một Tổng của huyện Hoành Bồ. Năm 1936 chính quyền thực dân phong kiến đã tách 3 tổng: Cẩm Phả, Hà Gián, Văn Hải thành lập ra Châu Hà Tu. Đến năm 1940 thì đổi thành Châu Cẩm Phả. Năm 1975, thôn Hòn Một thuộc xã Tam Hợp được tách ra để thành lập Tiểu khu Hòn Một (là địa phận của phường Cẩm Thành ngày nay). Trải qua nhiều thay đổi, ngày 10/9/1981, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 63-QĐ/HĐBT “về việc phân vạch địa giới một số xã, phường và thị trấn thuộc tỉnh Quảng Ninh”. Theo đó các tiểu khu, trong đó có tiểu khu Hòn Một được chuyển thành phường và lấy tên là phường Cẩm Thành thuộc thị xã Cẩm Phả. Cư dân gốc của phường đa số là người dân tộc…nhưng do chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp tại vùng mỏ nên đã thu hút rất nhiều công nhân từ nhiều địa phương khác về sinh sống trên địa bàn, phần lớn là cán bộ CNVC thuộc ngành than được bố trí về ở tại 8 lô nhà tập thể 3 tầng (người dân quen gọi là khu ba tầng) được xây dựng và đưa vào sử dụng từ những năm 1964, một số tham gia làm việc ở các ngành nghề khác được thừa hưởng truyền thống, bản chất của giai cấp công nhân mỏ nên dân trí tương đối cao.

Phường được đặt tên là “Cẩm Thành” với lý do nơi này có đủ các trường thuộc 4 cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông và thị xã nghiên cứu coi đây là một nơi trung tâm giáo dục để trưởng thành, tạo cho con người việc hình thành thói quen học tập rèn luyện để mai sau xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. Vì thế, ngoài chữ Cẩm từ Cẩm Phả, lấy chữ “Thành” là thành người, thành đạt với mong muốn gửi gắm ý nghĩa tên gọi của phường Cẩm Thành ngày nay.

Phường Cẩm Trung

Phường Cẩm Trung thuở ban đầu là khởi lập là từ làng Phú Bình, xã Thái Bình, thuộc Châu Cẩm Phả (do chính quyền thực dân phong kiến đặt tên). Vào những năm 30 của thế kỷ trước (thế kỷ XX) địa bàn phường Cẩm Trung là một vùng rừng rậm, dân cư thưa thớt, chỉ có vài hộ dân sinh sống, họ là những người bản địa chủ yếu là dân tộc Sán Dìu và dân tộc Hoa, Các động vật hoang dã như hổ báo còn hoành hành. Nền kinh tế tự cung cấp, chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi gia cầm. Sau khi nước nhà thống nhất, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội, Cẩm Trung dần được coi là trung tâm của thị xã do có nhiều điều kiện để phát triển như: có bến xe, nhà hát, có biển, có chợ, đất đai rộng lớn nên dân cư tâp trung đông, trong đó có khoảng 1/3 là công chức nhà nước, một số ít hộ buôn bán nhỏ, trồng trọt, đánh bắt thủy hải sản. Ngoài ra còn có yếu tố nữa là ở vị trí trung tâm của thị xã, rất thuận lợi cho việc đi lại giữa hai tuyến đầu.

Khi quyết định đặt tên cho phường, các đồng chí lãnh đạo địa phương và lãnh đạo thị xã căn cứ vào các công trình trọng điểm được xây dựng và đặt ở nơi này như (trụ sở Thị ủy - HĐND - UBND thị xã, Công an, trung tâm văn hóa, bưu điện, sân vận động, khu rạp hát, đài truyền thanh truyền hình cùng nhiều cơ quan khác…), đây được coi là trung tâm chính trị, văn hóa của thị xã. Căn cứ vào những lý do trên hội đồng quyết định lấy từ “Cẩm” là yếu tố đầu tiên trong tên gọi của đơn vị lớn hơn là thị xã Cẩm Phả sau đó ghép với từ “Trung” đặt tên cho phường là “Cẩm Trung” với ý nghĩa nơi đây là khu vực trung tâm nằm ở giữa thị xã.

Phường Cẩm Thuỷ

Phường Cẩm Thủy chính thức được thành lập Theo quyết định số 63-HĐBT ngày 10/9/1981. Để cho dễ nhớ và làm nổi bật đặc điểm tự nhiên của địa phương, Hội đồng quyết định lấy từ “Cẩm” là yếu tố đầu tiên trong tên gọi của đơn vị lớn hơn là thị xã Cẩm Phả sau đó ghép với từ “Thủy” để thành phường “Cẩm Thủy” là do tên gọi trước đây là “Tiểu khu Đập nước” xuất phát từ việc ở khu vực này có một con đập do có nguồn nước rất lớn, đồng thời lại có khu phố Hai Giếng cũng liên quan đến nước. Do vậy hội đồng quyết định đặt tên cho nơi này là Cẩm Thủy.

Phường Cẩm Thạch

Theo truyền thống lịch sử, phường Cẩm Thạch trước đây là núi rừng trùng điệp, có nhiều hang động hiểm trở, vùng đất này gắn bó với quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Tháng 1/1968, trước yêu cầu trong việc sắp xếp cho nhân dân sơ tán, thị xã thành lập khu phố Công Nhân ở nơi này. Ngày 02/3/1973, Hội đồng Chính phủ có Quyết định số 214-CP về việc xóa bỏ xã Tam Hợp và khu phố Công Nhân để thành lập khu phố Tam Hợp. Ngày 05/3/1975, Ủy ban hành chính tỉnh Quảng Ninh có Quyết định số 147-CT/UB về việc giải thể các Ban hành chính khu phố: Đông Hải, Tam Hợp, Nam Hải và chia thành 9 tiểu khu gồm: Tiểu khu Hòn Một, Tiểu khu Rừng Thông, Tiểu khu Đập Nước, Tiểu khu Đá Chồng, Tiểu khu Lao Động, Tiểu khu Nam Hải, Tiểu khu Lán Ga, Tiểu khu Đông Hải, Tiểu khu Cọc III. (trong đó Tiểu khu Đá Chồng chính là địa bàn phường Cẩm Thạch ngày nay).

Việc đặt tên cho phường là căn cứ vào địa hình nơi đây ở phía Bắc là núi đá và núi đất; phía Nam là Vịnh Bái Tử Long với nhiều quần thể đảo đá, đảo đất che chắn, do vậy để cho dễ nhớ và làm nổi bật đặc điểm tự nhiên và những giá trị lịch sử của địa phương. Hội đồng quyết định lấy từ “Cẩm” là yếu tố đầu tiên trong tên gọi của đơn vị lớn hơn là thị xã Cẩm Phả sau đó ghép với từ “Thạch” để trở thành tên phường là Cẩm Thạch. Một số khu phố nằm trong địa bàn phường cũng đều mang tên gọi như vậy (Khu phố Long Thạch; Nam Thạch; Hồng Thạch; Sơn Thạch; Hoàng Thạch…)

Phường Quang Hanh

Trước thế kỷ XIX, Quang Hanh là một làng thuộc xã Cẩm Phả, châu Tiên Yên, phủ Hải Đông, xứ Quảng Yên. Nơi đây hoang vắng, núi rừng hiểm trở, có nhiều thú dữ, người đến khai hoang lập làng là tộc người Sán Dìu, đời sống sinh hoạt tự cung tự cấp.

Xã Quang Hanh thành lập trước năm 1909, thuộc Tổng Cẩm Phả. Năm 1940 dưới thời Vua Bảo Đại, Phủ Toàn quyền Pháp ra Nghị định đổi tổng Cẩm Phả thành châu Cẩm Phả. Lúc này châu Cẩm Phả gồm các khối phố (Phố cũ, Phố mới, Núi trọc, Cửa Ông, và các xã Quang Hanh, Tam Hợp, Cẩm Bình, Thi đua, Độc lập và các xã thuộc huyện Cẩm Phả). Năm 1948 Quang Hanh thuộc thị xã Cẩm Phả (Đặc khu Hòn Gai). Năm 1957 Ủy ban hành chính khu Hồng Quảng ra quyết định số 2159-TCCB quy định địa dư các xã thuộc thị xã Cẩm Phả, lúc này Quang Hanh có 4 thôn: thôn Cái Hanh (ở khu vực km6) là thôn đầu tiên của xã Quang Hanh, tên cuả thôn được lấy tên một cửa hang; thôn Đá Hang (ở khu vực km8) tên cuả thôn được lấy tên một hang đá; thôn Đình (ở khu vực km10) tên cuả thôn được lấy địa danh của Đình làng Quang Hanh; thôn Áng (ở khu vực km12) với ý nghĩa là hai dãy núi đá bên trái và bên phải chạy song song có nhiều áng nhỏ. Tháng 9./2001 Chính phủ ra Nghị định về việc thành lập phường Quang Hanh. Như vậy có thể nói quá trình hình thành và phát triển của xã Quang Hanh gắn liền với quá trình phát triển của khu mỏ và thị xã Cẩm Phả.

Nói về ý nghĩa của địa danh Quang Hanh phải nhắc đến tên gọi đầu tiên là Thạch Long thôn (phiên âm tiếng Hán là Sạc Lống son) có nghĩa là nhân dân lấy hình tượng của dãy núi đá trải dài từ Đèo Bụt đến km6 tựa như hình tượng của linh vật thiêng là Rồng (Long) với hình ảnh hùng dũng uốn lượn vươn ra Biển Đông. Sau này khi lấy tên là Quang Hanh là theo nghĩa của từ Hán Việt: Quang nghĩa là sáng rực rỡ, vẻ vang; Hanh nghĩa thông, thông suốt. Về tổng thể có nghĩa là địa danh chỉ hang động cao rộng, trong lòng hang có vẻ đẹp hùng vĩ với các nhũ đá, măng đá óng ánh rực rỡ và các hang động này được thông suốt ra biển nên được nhân dân gọi là Quang Hanh.

Xã Dương Huy

Dương Huy là một trong 3 xã miền núi của thành phố Cẩm Phả - tỉnh Quảng Ninh, nằm ở phía Tây Bắc của thành phố Cẩm Phả, phía Bắc và phía tây giáp xã Hoà Bình của huyện Hoành Bồ (nay là thành phố Hạ Long), phía nam giáp các phường Quang Hanh, Cẩm Thạch, Cẩm Thuỷ, Cẩm Trung, Cẩm Thành. Phía đông giáp với phường Cẩm Tây và phường Mông Dương.

Theo quá trình lịch sử, vào thời nhà Nguyễn và thời thuộc Pháp (1802 - 1945), năm 1822 đổi trấn Yên Quảng thành trấn Quảng Yên. Năm 1831, đổi trấn Quảng Yên thành tỉnh Quảng Yên. Năm 1836, tỉnh Quảng Yên có 2 phủ Hải Ninh, Sơn Định. Hoành Bồ là một trong 3 huyện của Phủ Sơn Định. Vào đời Nguyễn Thành Thái năm 1890 (Canh Dần) đã lập ra xã Dương Huy gồm: ấp Hà Đông, làng Dương Huy, và động Dương Huy thuộc huyện Hoành Bồ.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, huyện Hoành Bồ gồm có 9 tổng: Trong đó tổng Dương Huy gồm: Làng Bang, Vũ Oai, Dương Huy, Lưỡng Kỳ.

Hòa bình lập lại năm 1954 đã hợp nhất xã Huy Động và xã Dương Huy thành xã Dương Huy. Ngày 16 tháng 1 năm 1979, Hội đồng Chính Phủ ra Quyết định số:17-CP sáp nhập xã Dương Huy của huyện Hoành Bồ vào thị xã Cẩm Phả, theo đó xã Dương Huy là một trong 16 xã, phường thuộc thị xã Cẩm Phả (nay là thành phố Cẩm Phả), tỉnh Quảng Ninh.

Như vậy, có thể khẳng định tên gọi “Dương Huy” là do bắt nguồn từ việc hợp nhất 2 xã Huy Động và xã Dương Huy thành xã Dương Huy như ngày nay.

Ngành than cũng có Công ty mang tên Công ty Than Dương Huy - TKV.

Trương Thành Công (Văn phòng Đảng ủy phường Cẩm Tây)