Kiến Trúc Nhà Truyền Thống Của Người Tày Bình Liêu

Quảng Ninh là nơi hứng gió, là cửa ngõ thông ra biển Bắc bộ nên vào cuối mùa nóng (tháng 7 – 9), trong mùa mưa bão, phải chịu ảnh hưởng của phần lớn các cơn bão đổ bộ vào miền Bắc nước ta, có những cơn bão mạnh, sức gió trên cấp 9 (Theo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Địa chí Quảng Ninh, Nxb Thế Giới, HN 2002). Bình Liêu cũng chịu ảnh hưởng của đặc điểm khí hậu này, kèm theo đặc điểm có mùa hè nóng ẩm, mùa đông lạnh nên người Tày ở Bình Liêu chủ yếu cư trú trong các ngôi nhà xây bằng gạch đất. Kiến trúc nhà ở này có đặc tính mát về mùa hè và ấm về mùa đông, đồng thời đủ vững chãi để chống chọi lại với những cơn bão mạnh. Tùy vào địa hình, đồng bào thường xây 2 kiểu kiến trúc chính là nhà đất có sàn và nhà gạch đất.

         Nhà đất có sàn

        Là loại nhà phổ biến nhất của người Tày, gạch đất là vật liệu chính để làm nhà, móng nhà kê đá, lợp cỏ tranh, phên vách bằng nứa đan; những nhà có điều kiện hơn thì làm nhà gỗ kê đá, cột, xà, các đồ dùng phụ tùng của nhà làm bằng gỗ tứ thiết, được bào nhẵn, lắp ghép mộng rất cầu kỳ, có nhà còn trạm trổ hình đầu rồng, các loại hoa văn hình chim, dây lá khá đẹp mắt, mái lợp ngói âm dương.

Trước cửa kiến trúc ngôi nhà gạch đất có sàn của ông Trần Tú Oanh, bản Ngày, xã Vô Ngại

 Trước cửa kiến trúc ngôi nhà gạch đất có sàn của ông Trần Tú Oanh, bản Ngày, xã Vô Ngại

      Ngôi nhà đất có sàn của ông Trần Tú Oanh, bản Ngày, xã Vô Ngại là tiêu biểu cho loại hình kiến trúc này. Toàn bộ nhà có 3 gian. Gian chính gồm 3 phần: dưới cùng là nơi để nhốt gia cầm và để nông cụ, có cửa ra vào ở hai bên. Phần giữa là nơi thờ tự và là nơi ở chính của các thành viên trong gia đình, được chia như sau: ½ của gian phía ngoài (chính giữa để bàn thờ, bên trái là sập gỗ để tiếp khách, bên phải là buồng ngủ của chủ nhà). ½ gian phía trong, được ngăn bằng gỗ gồm: chính giữa là bếp lửa để sưởi ấm mùa đông, nơi sinh hoạt chung của gia đình, phía tay trái gồm ba buồng ngủ của mẹ và các con gái, phía bên phải là buồng ngủ của các con trai. Khi trong nhà có người cưới vợ sẽ có sự phân chia buồng ngủ cho phù hợp. Phần thứ ba là gác phía trên bếp lửa (chính giữa nhà), gác bằng tre, nứa. Là nơi để hạt giống và lương thực.

     Phía trái có cửa và thang đi xuống gian bếp, là nơi nấu nướng, ăn uống của cả nhà. Nhà bếp thấp hơn nhà chính vì mặt sàn được tính từ sàn dưới cùng của nhà chính.

     Ngay cửa gian nhà chính có sàn cao ngang với sàn nhà (trên gầm nơi ở của gia súc và để nông cụ). Sàn được ghép bằng tre hoặc gỗ. Có cầu thang hai bên để lên nhà, dưới chân cầu thang có chum nước để rửa chân.

     Nhà người Tày thường có sân phơi nhỏ. Sân phơi có tính chất như một công trình phụ giao với toà nhà chính. Ngoài ra nhà người Tày còn có thêm một sân nước nhỏ được dựng ở đầu cầu thang lên nhà, đặt những vại nước to để khách và các thành viên rửa chân và sinh hoạt.

Kiến trúc nhà gạch đất, ngói âm dương

Những người đến chung vui ngày lên nhà mới là những người đã tham gia giúp các công việc để xây dựng được ngôi nhà. Không dưng mà người Tày nói Bản tẩư mà thư, bản nư mà chòi (bản dưới đến giúp, bản trên lại đỡ), đó là tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau mộc mạc, chân tình khi người trong bản có việc. Đây là dịp để gia chủ cảm ơn những người đã giúp đỡ mình để xây dựng được ngôi nhà mới. Người đến mừng mang theo chai rượu, lon gạo hay tặng những đồ dùng cần thiết như xô, chậu, bát, đĩa… cùng những lời chúc tốt đẹp để mừng cho gia chủ đã xây được ngôi nhà mới.

Có thể nói, một ngôi nhà mới của người Tày được hình thành hoàn là những vật liệu thiên nhiên từ đất, cây và đá cùng với tình người chân chất mộc mạc, sẵn sàng giúp nhau trong cộng đồng. Qua việc giúp đỡ nhau xây nhà, tình cảm của những người trong bản làng lại thêm khăng khít. Đó là một cách nuôi dưỡng tình cảm của tộc người Tày ở Bình Liêu, là cách để gìn giữ tinh thần cố kết cộng đồng ở vùng biên cương này.