Ấn Tượng Các Làng Nghề Truyền Thống Cao Bằng

Cao Bằng thuộc miền núi phía Bắc, có nhiều các dân tộc thiểu số sinh sống. Từ xa xưa, đồng bào đã phát triển các nghề thủ công truyền thống mà cho đến ngày nay, vẫn được giữ gìn, phát triển và góp phần thu hút du khách đến tìm hiểu và khám phá

Ở Cao Bằng, các làng nghề đã có từ rất lâu; người dân vẫn lưu giữ, say mê với nghề dù công nghệ sản xuất hàng loạt phát triển, có nhiều sản phẩm có thể thay thế các sản phẩm từ làng nghề. Dù đã có những lúc đứng trước nguy cơ mai một và thất truyền, nhưng những sản phẩm thủ công từ các làng nghề nhờ các nét đặc trưng riêng nên vẫn có vị trí đặc biệt trên thị trường, được duy trì và yêu mến.

XƯỞNG THÊU THỔ CẨM CỦA NGƯỜI DAO TIỀN

Không ai rõ nghề dệt thổ cẩm có từ bao giờ, mà chỉ biết những tấm vải thổ cẩm họ dệt ra từ lâu đã nổi tiếng với hoa văn đẹp mắt, mang đậm sắc thái dân tộc Dao. Theo phong tục từ xưa, các cô gái dân tộc Dao trước khi lấy chồng phải biết thêu thùa may vá để tự tay dệt váy cưới cho mình.

Nghệ thuật thêu hoa văn sáp ong trên vải thổ cẩm là cả một sự kỳ công. Nguyên liệu chính để dệt vải thổ cẩm là sợi cây đay, lanh, cây chàm do người dân tự trồng, se sợi, dệt và nhuộm vải. Quy trình in sáp ong trên vải cũng rất khắt khe. Các cô, các chị sẽ đặt phần vải màu trắng cần in hoa văn lên trên mặt phẳng rồi dùng đá mài vải cho nhẵn, mịn, sau đó dùng que tre nhúng vào sáp ong đã đun nóng để vẽ hoa văn lên vải. Vì vậy, tuy cùng là vải in sáp ong nhưng do làm hoàn toàn thủ công nên không tấm nào giống tấm nào. Những sản phẩm thêu thổ cẩm và in hoa văn bằng sáp ong được dùng chủ yếu để may quần áo, khăn và các vật dụng trong gia đình như chăn, gối, địu…

DSC_0034

Tuy nhiên, với sự phát triển của thời đại, quần áo may sẵn tràn lan, muốn có một bộ đồ mới chỉ cần ra cửa hàng mua, vừa rẻ vừa nhanh, việc bỏ quá nhiều thời gian và công sức ra may một bộ trang phục truyền thống dần trở nên hiếm hoi hơn trong cộng đồng người Dao Tiền. 

Trước nguy cơ nghề dệt thổ cẩm sẽ bị mai một, thất truyền, chính quyền và người dân ở đây đã có nhiều nỗ lực khôi phục lại nét đẹp truyền thống này. Một chị gái người Dao Tiền nói với tôi, trước đây nhà nào trong bản cũng tự nhuộm vải và vẽ sáp ong, bây giờ phần lớn họ chỉ làm việc ở xưởng thêu, nơi không chỉ là một hợp tác xã, mà còn là một điểm tham quan thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế. Những thước vải thổ cẩm không còn là trang phục của riêng phụ nữ Dao, mà đã trở thành món quà lưu niệm quý giá với nhiều du khách. Họ mua áo, mua túi thổ cẩm, thậm chí có người còn mua lại những mẫu thiết kế để góp phần tạo nên những sản phẩm thời trang mang tầm quốc tế. 

  • Địa chỉ: xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình

LÀNG HƯƠNG PHIA THẮP

Làng Phia Thắp có nghề làm hương truyền thống. Đây cũng là nơi sinh sống chủ yếu của người dân tộc Nùng. Hương Phia Thắp được làm hoàn toàn từ nguyên liệu tự nhiên ở vùng miền núi đá vôi là cây mai (tiếng Tày là “mạy mười”) đế làm que, vỏ cây gạo, mùn cưa và đặc biệt là lá cây bầu hắt - một loại lá cây trên rừng dùng để làm keo kết dính các chất liệu lại với nhau. Chân hương được làm từ tre mạy mười có dóng dài hoặc cây mai. Que mai được chẻ nhỏ và vót thành từng khúc dài khoảng 40 cm, rồi nhúng vào nước pha với bột lá cây bầu hắt để tạo chất kết dính, sau đó tẩm 4 lần hỗn hợp bột lá cây bầu hắt, vỏ cây gạo xắt nhỏ, mùn cưa để có được que hương, và phải nhanh tay lắc để bột vừa bám dính, vừa bảo đảm độ tròn đều.

Việc chẻ mai được làm thủ công bằng tay, sao cho que hương được vót nhỏ và tròn đều
Việc chẻ mai được làm thủ công bằng tay, sao cho que hương được vót nhỏ và tròn đều

Hương của người Nùng An không sấy bằng lò, mà được phơi tự nhiên. Góc sân, bờ tường, góc ruộng đều được tận dụng để phơi hương. Nắng lên, làng hương Phia Thắp đâu đâu cũng có những bó hương xoe tròn được phơi khắp sân nhà... Sau khi phơi khô, chân hương thành phẩm được nhuộm màu đỏ, bó thành từng bó 20 cây. Mọi người đều có thể tham gia sản xuất và mang hương đi bán vào những ngày chợ phiên hoặc phục vụ du khách tham quan tại các điểm đến tâm linh.

Empty
Empty

Sản phẩm hương của làng Phia Thắp không chỉ được phục vụ chính đồng bào Nùng An mà còn được nhiều người dân tộc khác ưa chuộng và trở thành hàng hóa có mặt trên khắp các chợ phiên, thị trường trên địa bàn tỉnh bởi hương thơm đặc trưng, dễ chịu và đảm bảo an toàn vì được làm từ những nguyên liệu trong tự nhiên.

Góc sân, bờ tường, góc ruộng đều được tận dụng để phơi hương
Góc sân, bờ tường, góc ruộng đều được tận dụng để phơi hương

Làm hương không chỉ đem lại thu nhập cho người dân làng Phia Thắp, nó còn góp phần bảo tồn một nghề truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc của người Nùng An. Bởi vì có bao giờ người Việt Nam lại không cần thắp hương đâu, nên nghề làm hương chẳng bao giờ mất đi. Đặc biệt là những năm trở lại đây, Phia Thắp bắt đầu làm du lịch cộng đồng, đón khách thập phương về nghỉ ngơi, tìm hiểu cuộc sống của người dân, đồng thời trải nghiệm làm hương giữa bản nhỏ xanh tươi nơi lưng chừng núi.

  • Địa chỉ: Nằm ở khu vực chân núi Phà Hùng, xã Quốc Dân, huyện Quảng Uyên

LÀNG RÈN PẮC RẰNG

Làng rèn ở Pắc Rằng đã có từ cách đây khoảng 500 năm. Người dân sinh sống ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Nùng An, phần lớn đều làm nghề rèn. Sản phẩm rèn của Pắc Rằng chủ yếu phục vụ sản xuất và một phần để trao đổi hàng hóa thiết yếu khác, nhưng vì chất lượng sản phẩm tốt nên danh tiếng làng nghề dần lan xa, người dân nhiều vùng lân cận đã đến đặt hàng. Mặc dù các sản phẩm ở đây không bắt mắt, lại có giá bán cao gấp 3 lần sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, nhưng hàng sản xuất ra tới đâu, bán hết tới đó.

Phần lớn các hộ gia đình ở Pắc Rằng đều làm nghề rèn
Phần lớn các hộ gia đình ở Pắc Rằng đều làm nghề rèn

Để có được một con dao hoàn chỉnh gồm rất nhiều công đoạn, nhưng có bốn công đoạn chính: Cắt thép và dùng búa đập thành hình định trước, tôi thép, ram thép và mài thành phẩm. Trong đó, hai quá trình tôi thép và ram thép mới là hai công đoạn chính tạo nên thương hiệu dao Pắc Rằng nổi tiếng. Tôi thép là quá trình nung nóng, giữ nhiệt và làm nguội nhanh thép nhằm mục đích nâng cao độ cứng và tính mài mòn cho dao, nâng cao độ bền cho dao. Còn ram thép là phương pháp nung nóng thép đã qua tôi dưới nhiệt độ giới hạn, chỉ có những người thợ giỏi và lành nghề mới có thể nhận biết được nhiệt độ giới hạn bằng cách nhìn vào mầu đỏ của thép trong lò, sau đó giữ nhiệt độ một thời gian rồi làm nguội.

Empty
Empty

Đến đây, ngoài việc tham quan những hộ gia đình làm rèn, du khách còn có cơ hội trải nghiệm du lịch cộng đồng bản Pác Rằng, nơi có mỏ nước không bao giờ cạn và cánh rừng nguyên sinh tạo cảnh quan sinh thái thanh bình…

  • Địa chỉ: xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên, nằm bên Quốc lộ 3 đi cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, cách thành phố Cao Bằng khoảng 30 km về phía Đông Bắc

PHẦN KẾT

Để đến những làng nghề truyền thống này, du khách có thể bắt taxi, xe bus hoặc đi xe máy. Các xã có làng nghề truyền thống phần lớn nằm trên trục đường đến tham quan khu du lịch sinh thái Thác Bản Giốc, Khu kinh tế cửa khẩu Tà Lùng và gần khu du lịch sinh thái Hồ Thang Hen. Cảnh quan thiên nhiên đẹp, con người thân thiện cùng những nét văn hóa truyền thống tiêu biểu còn được lưu giữ khá nhiều, chắc chắn sẽ đem lại cho du khách những cảm giác mới lạ, phù hợp cho những chuyến dã ngoại, khám phá vào cuối tuần.

Empty
Empty
Người dân Cao Bằng rất thân thiện cùng những nét văn hóa truyền thống tiêu biểu còn được lưu giữ khá nhiều

Người dân Cao Bằng rất thân thiện cùng những nét văn hóa truyền thống tiêu biểu còn được lưu giữ khá nhiều

Hiện nay, phần lớn các làng nghề truyền thống ở Cao Bằng đều đón khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh và trải nghiệm cuộc sống đơn sơ, mộc mạc tại các homestay nhà dân. Tuy vẫn chưa đầy đủ tiện nghi hiện đại, nhưng đây thực sự là một cơ hội tuyệt vời để du khách trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa.

Chú ngựa trắng phục vụ du khách ở thác Bản Giốc
Chú ngựa trắng phục vụ du khách ở thác Bản Giốc

THÔNG TIN THÊM

  • Hành trình: Cao Bằng cách Hà Nội khoảng 280 km. Từ Hà Nội, bạn có thể đi theo quốc lộ 3, qua Thái Nguyên, Bắc Kạn để tới Cao Bằng hoặc đi theo lộ trình QL1 - Lạng Sơn - QL4 - Thất Khê, Đông Khê - Cao Bằng. Bạn cũng có thể mua vé xe ô tô khách đi Cao Bằng tại bến xe ở các tỉnh trên. Nếu di chuyển bằng phương tiện cá nhân (xe máy, ô tô), bạn cần chú ý đảm bảo an toàn: phanh, lốp, xích… và mang theo đầy đủ giấy tờ cần thiết. Bạn nên mang theo một số dụng cụ sửa xe thông dụng do đoạn đường từ thành phố Cao Bằng vào Bản Giốc khá khó đi.
  • Thời gian: Vào mỗi mùa, Cao Bằng mang một vẻ đẹp riêng. Tuy nhiên, khoảng thời gian đẹp nhất để ghé thăm Cao Bằng là tháng 8, tháng 9 khi thác Bản Giốc tuôn trào dòng nước trong xanh, cũng là độ lúa chín vàng và vào tháng 11, tháng 12 - khi hoa tam giác mạch và hoa dã quỳ nở khắp núi rừng.
  • Lưu trú: Hệ thống nhà nghỉ, khách sạn và resort ở Cao Bằng khá đa dạng. Bạn có thể chọn đặt phòng ở các homestay, nhà nghỉ hoặc khách sạn bình dân với giá 200.000 - 600.000 VND/đêm hoặc Bản Giốc Riverside Resort với giá từ 1.000.000 VND/đêm.
  • Ẩm thực: Vịt quay, lợn quay lá móc mật, lạp xưởng hun khói, thịt bò gác bếp, cá chiên sông Gâm, cá trầm hương Bản Giốc, rau dớn, măng trúc, xôi trám, phở chua, hạt dẻ Trùng Khánh, bánh trứng kiến, bánh cuốn, bánh khảo... là những món ăn không nên bỏ qua.
Hương Thảo