Bình Liêu Làm Du Lịch Nông Nghiệp Như Thế Nào ?

Phát triển du lịch nông nghiệp đang dần trở thành xu hướng phát triển kinh tế bền vững tại nhiều địa phương của tỉnh trong đó có Bình Liêu. Với việc khai thác hiệu quả các giá trị của nông thôn, phát triển các mô hình hợp tác xã nông nghiệp gắn với du lịch đã và đang tạo thêm một hướng phát triển mới, đa dạng cho du lịch Bình Liêu

Du lịch nông nghiệp: Cách làm của Bình Liêu - 1

Xã Húc Động đang nghiên cứu triển khai đưa du khách đến tham quan, trải nghiệm tại các cơ sở làm miến truyền thống trên địa bàn. Ảnh: Phượng Đại (CTV)

Bình Liêu sở hữu lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và văn hóa truyền thống đặc sắc riêng có của cộng đồng dân tộc thiểu số đã trở thành nguồn “tài nguyên” quý giá cho phát triển du lịch. Từ cơ sở này, Bình Liêu đã và đang nghiên cứu phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử và tâm linh, du lịch trải nghiệm thiên nhiên du lịch mạo hiểm, du lịch biên giới và du lịch nông nghiệp.

Trong đó, du lịch nông nghiệp tuy chưa thật sự có bước phát triển mạnh mẽ, song đang mở ra rất nhiều triển vọng với những mô hình trải nghiệm sản xuất nông nghiệp gắn với đời sống người dân bản địa, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương nhất là sản phẩm OCOP đã và đang tạo được ấn tượng với du khách bốn phương. Theo đó, Hội mùa vàng, Hội hoa sở... chính là những sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có xuất phát từ chính tập quán canh tác nông nghiệp của người dân nơi đây.  

Du lịch nông nghiệp: Cách làm của Bình Liêu - 2

Du khách nước ngoài thích thú trải nghiệm cắt lúa cùng bà con trên cánh đồng ruộng bậc thang. Ảnh: La Lành (CTV)

Bình Liêu hiện có trên 800ha ruộng bậc thang trồng lúa trải đều khắp các xã, thị trấn. Vào độ cuối tháng 10 dương lịch trở đi khi lúa chín vàng trên những cánh đồng, thửa ruộng bậc thang ở các thôn, bản, sườn đồi như những dòng thác đang đổ màu vàng óng ả giữa trời thu xanh ngắt tạo nên khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Từ chính lợi thế này, từ năm 2020, Bình Liêu đã tổ chức Hội mùa vàng với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc. Đặc biệt, ruộng bậc thang Lục Hồn đã được công nhận là di tích danh thắng cấp tỉnh, góp phần mở ra cơ hội phát triển du lịch, gắn với công tác bảo tồn, phát huy những giá trị cảnh quan thiên nhiên, văn hóa của ruộng bậc thang Bình Liêu. Trong khuôn khổ hội mùa vàng, du khách được tham gia trải nghiệm gặt lúa, tham gia nghi lễ mừng cơm mới tại các gia đình ở xã Lục Hồn.

Trước đó, Lễ hội hoa sở được tổ chức lần đầu từ năm 2016 và được duy trì hằng năm cũng đã mang đến một sắc màu du lịch độc đáo của Bình Liêu. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân địa phương đầu tư, phát triển dịch vụ du lịch một cách bài bản hơn từ dịch vụ lưu trú, ăn nghỉ, vui chơi gắn với trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt, ẩm thực, văn hóa của đồng bào dân tộc.

Cùng với đó, các mô hình hợp tác xã nông nghiệp sản xuất các sản phẩm thế mạnh của Bình Liêu như miến dong, cá nước lạnh, trồng hoa, tinh dầu hồi, quế... cũng đang phát triển hiệu quả, trở thành những điểm đến du lịch với những trải nghiệm hấp dẫn, độc đáo dành cho du khách. Nổi bật trong đó, vườn hoa Cao Sơn (xã Hoành Mô) của HTX hoa Bình Liêu đang trở thành điểm du lịch 4 mùa, thu hút rất đông du khách đến tham quan, trải nghiệm trong hành trình du lịch Bình Liêu. Với diện tích gần 2ha, tọa lạc trên núi Cao Sơn có độ cao vài trăm mét so với mực nước biển, không khí trong lành, mát mẻ, vườn hoa Cao Sơn để lại ấn tượng cho du khách với vẻ đẹp của hàng trăm loài hoa bản địa, hoa nhập khẩu như: Hồng, lan vũ nữ, cẩm tú cầu, tam giác mạch, hướng dương, đồng tiền, hoa bươm bướm... thi nhau khoe sắc quanh năm.

Du lịch nông nghiệp: Cách làm của Bình Liêu - 3

Du khách tham quan, chụp ảnh tại vườn hoa Cao Sơn.

Anh Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc HTX Hoa Bình Liêu, cho biết: Đến với vườn hoa Cao Sơn, du khách có thể tham quan các khu ươm giống, tìm hiểu về quy trình trồng hoa, trải nghiệm hái dâu tây, cắt hoa lan nữ vữ, hoa đồng tiền; trải nghiệm làm cô gái dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ và thoải mái chụp hình bên những khóm hoa, những điểm dừng chân độc đáo như cầu tình yêu, cầu tre, vòng xoay... tại vườn. Đi vào hoạt động từ giữa năm 2019 và sau thời gian ảnh hưởng của dịch đến nay, chúng tôi cũng đầu tư thêm mô hình farmstay nhỏ phục vụ nhu cầu ăn nghỉ của du khách. Đến nay, vườn hoa Cao Sơn đón rất đông du khách đến tham quan, vui chơi nhất là vào dịp cuối tuần.

Có thể thấy, ngoài những trải nghiệm thiên nhiên, văn hóa, lịch sử thì hoạt động cho khách tham quan, trải nghiệm tại các cơ sở làng nghề, mô hình sản xuất nông nghiệp độc đáo sẽ tạo ra những điểm nhấn cho các tour du lịch tại Bình Liêu. Vì vậy, việc kết hợp phát triển hiệu quả giữa các loại hình du lịch từ cộng đồng, du lịch sinh thái đến du lịch nông nghiệp đang là tiềm năng cần đánh thức để đưa du lịch Bình Liêu bứt phá trong thời gian tới.