MÙA VÀNG THÁNG 6 CÙNG GÁNH THÓC VỀ PÙ LUÔNG

Qua Mường Khến, tới chợ Lồ, rẽ trái tìm tới Địch Giáo rồi cứ theo con dốc ngược thẳng lên núi mà người dân vẫn gọi là dốc Mùn để lên miền cao ấy, nơi những ngọn núi chìm trong biển mây, nơi mà người ta vẫn gọi là nóc nhà xứ Mường mang tên Lũng Vân. Nếu không có con đường độc đạo ấy, chắc sẽ khó mà biết được rằng trên đỉnh núi kia lại có người sinh sống và khí hậu lại mát lạnh như Đà Lạt của đất Hòa Bình
img_7405
Cung đường đèo từ Lũng Vân sang Lũng Cao mới được nối thông từ vài năm nay

Lòng chảo Lũng Vân vốn mang tên là Mường Chậm với những ngôi nhà sàn ẩn hiện thấp thoáng trong mây luồn, với những phiên chợ và nhiều nét văn hóa độc đáo. Khi xưa, lên tới “nóc nhà xứ Mường” Lũng Vân là hết đường đi, phải quay trở ra hoặc băng rừng để sang ngay bên kia núi là đất xứ Thanh. Nhưng nay, con đường qua Son Bá Mười đã được nối thông để bà con hai miền Tân Lạc – Pù Luông có thể giao thương qua lại và người lữ khách phương xa như chúng tôi đã có thể vượt Lũng Cao để đắm mình trong những thửa ruộng đang chín vàng giữa mùa gặt.

img_7409
Cả thung lũng từ làng Đốc tới Lũng Cao đều nằm trọn trong tầm mắt
Lòng chảo Lũng Vân vốn mang tên là Mường Chậm với những ngôi nhà sàn ẩn hiện thấp thoáng trong mây luồn, với những phiên chợ và nhiều nét văn hóa độc đáo. Khi xưa, lên tới “nóc nhà xứ Mường” Lũng Vân là hết đường đi, phải quay trở ra hoặc băng rừng để sang ngay bên kia núi là đất xứ Thanh.

Ngược lại dòng người đang hối hả vào phố thị, chúng tôi với bạn đồng hành là những chiếc xe Ford Everest, Ranger vượt dốc Cun để lên Cao Phong, qua dốc Mùn tới Lũng Vân rồi nhọc nhằn vượt đèo Lũng Cao xuống Làng Đốc và ngây ngất với ánh nắng chiều bản Nủa. Cung đèo từ Lũng Vân tới Lũng Cao dù đã được trải bê-tông nhưng vẫn còn đó những góc cua tay áo gắt với độ cao chênh lệch rất lớn. Nếu chỉ một phút sơ sẩy, bạn sẽ chẳng có cơ hội để lái xe lần thứ hai trên cung đường này bởi ngay dưới kia là vực sâu thăm thẳm.

img_7417
Những ngôi nhà sàn với mái lá, hàng cau là đặc trưng của vùng đất Pù Luông

Dừng chân nơi lưng chừng đèo, trên mô đất không quá lớn, chúng tôi đứng ngắm nhìn toàn bộ Lũng Cao và thung lũng Làng Đốc. Như một sự sắp đặt tài tình của thiên nhiên và được tô vẽ bởi bàn tay con người. Cả dải đất phía dưới chúng tôi cứ ánh lên màu vàng của lúa chín, màu khói lam chiều nhà ai nấu cơm sớm, màu xanh của rừng, màu nâu sẫm của mái tranh, màu sương bảng lảng cứ quẩn quanh mãi mà chẳng chịu tan đi.

img_7484
Và giữa mùa vàng Pù Luông, hình ảnh bình dị của miền quê hiện lên rõ nét trên mọi con đường

Rót chút trà mới pha, dăm ba chiếc ghế, chút gió núi mát lạnh cứ vấn vương khiến khách phương xa chẳng thể nào rời bước chân đi. Cho tới khi tiếng gọi thúc giục phải lên đường để kịp ngắm hoàng hôn ở bản Nủa thì chúng tôi mới nhấn thêm một chút ga đổ đèo trong nắng đã sang chiều.

img_7505
Pù Luông cách Hà Nội chỉ gần 200km với cảnh sắc thanh bình, núi non hùng vĩ, nhiều thửa ruộng bậc thang cùng nét văn hóa độc đáo

Cả thung lũng bản Nủa mùa tháng 6 đâu đâu cũng thấy thóc lúa, cũng thấy mùi rơm, vào nhà ai cũng có bát cơm mới dẻo thơm. Không khí mùa gặt cứ rộn ràng từ trong nhà ra ngoài ngõ, lan cả vào tâm trạng của khách phương xa như chúng tôi. Trên chiếc cầu gỗ nhỏ bắc qua dòng suối, con đường chạy thẳng lên bản lưng chừng núi, hai bên là lúa vàng rực cứ ngả nghiêng theo từng đợt gió. Lũ trẻ con chân đất đá bóng hồn nhiên, đứa lại vác cần câu ngồi im nơi bờ suối, dăm đứa khác theo mẹ bó lúa, bê lúa, đứa bé hơn thì ngồi hẳn trên tay bà ngắm nhìn các anh các chị chơi đùa.

img_7450
Lũ trẻ con vẫn chân đất đá bóng say mê và hào hứng

Chúng tôi hòa mình vào vụ mùa, vào từng bó rơm, từng âm thanh của máy tuốt lúa để thấy màu ấm no hiện rõ trên mỗi bước chân, thửa ruộng. Tiếng lao xao í ới gọi nhau, tiếng suối róc rách hòa lẫn cả tiếng kĩu kịt của đôi quang gánh trên vai người phụ nữ càng làm cho không gian mùa gặt trở nên đa sắc hơn. Pù Luông với những cái tên đã quá quen thuộc với những ai trót mê “xê dịch”, Kho Mường, bản Nủa, Kịt, Co Hoong, thác Hiêu, Phố Đoàn…

img_7540
Pù Luông đẹp nhất là giữa tháng 6 hay còn gọi là mùa vàng 

Sáng thức dậy trong căn nhà sàn, mở toang cánh cửa sổ là ánh bình minh dần ló rạng sau dãy núi, dát màu ngày mới lên thửa ruộng đang chín rộ, bà con đã bắt đầu ra đồng, còn chúng tôi cũng bắt đầu với những cọn nước rất độc đáo. Dọc theo những con suối của suốt dải đất Pù Luông, đâu đâu cũng có những cọn nước nhưng tập trung nhiều nhất có lẽ là ở xã Ban Công.

img_7585
Hàng chục chiếc cọn nước cứ cót két ngày đêm dẫn nguồn sống tới các thửa ruộng.

Hàng chục chiếc cọn nước cứ cót két ngày đêm dẫn nguồn sống tới các thửa ruộng. Thật khéo khen cho đôi bàn tay người xưa khi làm nên chiếc cọn nước độc đáo, nước được dẫn theo các ống tre vào ruộng để canh tác mà chẳng tốn chút sức lực nào.

img_7496
Một số ruộng ở Pù Luông cấy 2 vụ/năm, gặt vào tháng 6 và tháng 9 nhưng đẹp nhất là tháng 6 với nắng vàng

Và giữa mùa vàng Pù Luông, hình ảnh những người dân gặt lúa bên cạnh dòng suối với chiếc cọn nước quay tròn quay tròn thật khiến cho khách phương xa cứ muốn đứng ngắm mãi. Bởi vì nó bình yên quá, no ấm quá, đẹp quá, mát lành và tự nhiên quá. Rồi cũng từ những thửa ruộng vàng óng, từng bó lúa được xếp gọn gánh về, cả bản làng lại lao xao để chúng tôi thưởng trọn bữa cơm mới thơm ngọt lẫn cả tiếng cười của chủ nhà khi ruộng được mùa.

img_7610
Những điệu múa truyền thống của đồng bào dân tộc ở bản Hiêu

Đêm ở Pù Luông lành lạnh dù là giữa hè, tiếng thác Hiêu xa xa lẫn cả tiếng suối chảy quanh nhà, chút rượu cần trong bữa tối khiến chúng tôi có giấc ngủ không mộng mị giữa núi đồi. Để sáng mai thức dậy, những âm thanh của mùa gặt cứ theo những vòng quay của bánh xe về tận phố thị…

img_7630
Du khách có thể hòa mình vào các điệu nhảy sạp sau khi đã thưởng thức các món ăn đặc sản và rượu cần
Ford Heritage Photo Tour là hoạt động thường niên giữa Ford Việt Nam và tạp chí Heritage dành cho khách mời là các nhiếp ảnh gia, nhà báo với mục đích trải nghiệm xe, sáng tác ảnh về những vùng đất trên khắp nước Việt.