TỔ QUỐC TỪ NÉT VẼ ĐẦU TIÊN

Tất cả chúng ta đây, ai cũng đều có nguồn cội, gốc gác được sinh ra từ làng, đời cụ tổ, đời ông ta, cha ta, rồi có thể đến đời ta đều đã từng chân lấm tay bùn với đồng ruộng, thôn quê. Tôi cũng vậy, được sinh ra từ làng nên có lẽ tình yêu với đồng lúa, bãi ngô luôn là tình yêu ưu tiên nhất.  Hơn 20 năm trước, khi quyết định chọn Quảng Ninh làm nơi “khởi nghiệp”, với những chuyến đi lên rừng, xuống biển ở “nước Việt Nam thu nhỏ” đã cho tôi cơ hội được được đặt chân đến hầu hết những địa danh của Quảng Ninh, được dõi theo và nhìn thấy sự chuyển mình của mỗi miền quê, vùng đất. Niềm hạnh phúc lấp lánh trong ánh mắt mỗi người dân vùng đất phên dậu của đất nước
Cover

Ảnh trong văn bản

Tất cả chúng ta đây, ai cũng đều có nguồn cội, gốc gác được sinh ra từ làng, đời cụ tổ, đời ông ta, cha ta, rồi có thể đến đời ta đều đã từng chân lấm tay bùn với đồng ruộng, thôn quê. Tôi cũng vậy, được sinh ra từ làng nên có lẽ tình yêu với đồng lúa, bãi ngô luôn là tình yêu ưu tiên nhất.  Hơn 20 năm trước, khi quyết định chọn Quảng Ninh làm nơi “khởi nghiệp”, với những chuyến đi lên rừng, xuống biển ở “nước Việt Nam thu nhỏ” đã cho tôi cơ hội được được đặt chân đến hầu hết những địa danh của Quảng Ninh, được dõi theo và nhìn thấy sự chuyển mình của mỗi miền quê, vùng đất. Niềm hạnh phúc lấp lánh trong ánh mắt mỗi người dân vùng đất phên dậu của đất nước trong đó có tôi đang tăng lên mỗi ngày và tỷ lệ thuận với những quyết sách, định hướng đúng đắn của tỉnh. Đó là, những thôn bản yên bình, xinh xắn trải theo cung đường quanh co, uốn lượn dọc tuyến biên giới Việt - Trung từ Bình Liêu đến Móng Cái với câu chuyện di dân xây dựng kinh tế mới từ các chương trình định canh định cư, 135, 196… Là sinh kế bền vững, giàu có từ rừng ở những thị tứ trù phú trên núi cao giữa thơm mát hương quế, hương hồi Quảng An, Quảng Lâm, Quảng Lợi (Đầm Hà), Phong Dụ, Đại Dực (Tiên Yên), trong thanh khiết của rừng trà hoa vàng ở núi rừng Lương Mông, Đạp Thanh, Thanh Lâm (Ba Chẽ)… Là lấp lánh niềm vui trên những chuyến tàu về nặng mẻ lưới biển khơi của ngư dân Vân Đồn, Quảng Yên. Là sự giàu có trong những “villa” của làng nông thôn mới được bao bọc bởi con đường hoa rực rỡ sắc màu ở xã kiểu mẫu Việt Dân (Đông Triều), vải chín sớm Phương Nam (Uông Bí). Là ánh mắt rưng rưng của lão ngư bám đảo Cô Tô khi điện lưới quốc gia thắp sáng đảo tiền tiêu…

Cover

Trong chuyến kiểm tra thực tế từ xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long) sang 4 xã Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh, Thanh Lâm (huyện Ba Chẽ) mấy ngày trước, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký nói: “Nhà báo không vẽ được bức tranh bằng ngôn từ về “cuộc sống vui như hôm nay” bên ngoài cửa kính xe kia thì thật có lỗi đấy”.  Vâng, “cuộc sống vui như hôm nay” đang vút qua bon bon, êm ru bên ngoài khiến tôi nhớ đến những câu thơ mà nhà thơ Tố Hữu đã viết hơn 40 năm trước: “Tổ quốc nhìn lại, như đôi mắt trẻ thơ. Tổ quốc tôi, chưa đẹp thế bao giờ. Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển. Xanh trời, xanh của những giấc mơ”. Những ngôi nhà được xây theo kiểu dáng biệt thự hòa màu ngói đỏ trong vườn trà hoa vàng ở xã Đạp Thanh, xã Lương Mông đang vút qua trước mắt tôi như chiếc vương miện lấp lánh của thôn quê đưa tôi về miền ký ức gần 20 năm trước khi lần đầu theo đoàn cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Ba Chẽ đi tuyên truyền lưu động.  Đó là một chiều cuối tháng 6 năm 2003, sau trận mưa khá lớn khiến đường vào xã Đạp Thanh đặc quánh bùn đất đồi, mặt đường toàn là thùng vũng, chiếc xe u oát của Huyện ủy chở phóng viên đi theo đoàn chồm lên, tụt xuống, trượt bên trái, trượt bên phải. Thấp thoáng bên đường là những cụm dân cư tụm vào nhau, những mái lá cũ rách, vách nhà thủng lộ cả lạt tre đã mục rũa, rồi những đứa trẻ mặt mũi lấm lem, mũi dãi lòng thòng bụng ỏng đầu to chân đất chạy theo xe. Hồi đó tôi vừa dời thủ đô tráng lệ chốn đô thành về Hạ Long sống, làm việc cũng là đô thị tương đối phát triển nên khi gặp những hình ảnh nghèo khó ở Đạp Thanh đã khiến tôi vừa xót thương vừa lạ lẫm bởi chưa kịp hình dung “lại có nơi nghèo đến thế?”.  5 năm, 10 năm, 15 năm qua dõi theo những bước đi của người dân vùng khó này, tôi nhận thấy sức vươn thật mãnh liệt của đồng bào nơi đây, họ không chỉ đã thoát nghèo từ biết cách trồng, phát triển nghề rừng, khai thác giá trị loài cây đặc sản của địa phương mình - trà hoa vàng, mà còn thay được toàn bộ những ngôi nhà mái lá, vách đất bằng những villa to đẹp. Trên nền con đường bùn đất dẻo quánh năm nào giờ là bê tông phẳng lỳ, êm ru, phố trong bản ở Đạp Thanh đang vút qua trước mắt tôi giống như cô Tấm đã bước ra khỏi quả thị, hòa trong sắc màu của những vườn trà hoa vàng tỏa sáng.  Anh Nguyễn Minh Sơn, Bí thư Huyện ủy Ba Chẽ, khoe: Toàn huyện Ba Chẽ hiện có khoảng 200ha trồng trà hoa vàng - loại cây cho sản phẩm rất quý giá như “vàng của hoàng cung”, sản phẩm OCOP số 1 của tỉnh Quảng Ninh. Nhờ có trà hoa vàng, có ba kích, có rừng gỗ lớn bản địa mà Ba Chẽ có được các khu dân cư như phố trong bản ở các xã Lương Mông, Đạp Thanh, Thanh Sơn, Đồn Đạc, Thanh Lâm… 

Cover

Không chỉ ở Ba Chẽ, mà với các huyện miền Đông của tỉnh như Tiên Yên với đặc sản gà, Đầm Hà với quế, Bình Liêu với hồi thấy rằng sức sống thời kỳ đổi mới đang thực sự rất đượm cháy trên những vùng nông thôn, miền núi của tỉnh Quảng Ninh.  Thế hệ 7x chúng tôi hầu hết đều mơ ước được là công dân của các đô thị nên đã nỗ lực, hết sức mình từ việc học để dời làng, để có được việc làm ổn định, có một căn nhà ống chốn thị thành. Nhưng những thế hệ đời cuối 8x, 9x, 10x đã ngược lại hoàn toàn, số bỏ phố lên rừng làm trang trại, làm du lịch ngày càng nhiều. Như ông chủ của vườn hoa Cao Sơn ở huyện miền núi biên giới Bình Liêu nói: Được sống ở làng giờ là VIP đấy chị ạ. Làm gì có mấy tỉnh mà “điện, đường, trường, trạm” nông thôn, miền núi lại đồng bộ, hiện đại chả khác gì thành thị như ở Quảng Ninh. Như ở Bình Liêu xe ô tô có thể xuyên khắp thôn bản biên giới đón bình minh hay ngắm chiều tà vùng biên viễn nhờ hệ thống giao thông kết nối thôn bản đã phủ sóng đủ 103 thôn, bản. Hay như ở vùng quê Việt Dân, An Sinh (TX Đông Triều) sẽ khiến người thành phố phải ngất ngây bởi sự trù phú, bởi màu xanh của cây na đặc sản phủ kín khắp mảnh vườn, vạt đồi, xen giữa những màu xanh của cây trái là những biệt thự hai, ba tầng mái ngói đỏ tươi. Nghèo nhất, xa xôi nhất như xã Kỳ Thượng thuộc huyện Hoành Bồ trước đây, nay là TP Hạ Long giờ cũng là nơi “hút” khách lãng du thích khám phá nhờ xe ô tô có thể chạy thẳng đến trung tâm xã, có thể dừng nghỉ ở bất kỳ đỉnh núi nào để ngắm nhìn cầu Bãi Cháy trong trời xanh, mây trắng…. Để có những “bức tranh muôn màu” hiện diện trên khắp các vùng quê, bên cạnh sự nỗ lực, chăm chỉ của những người nông dân chân chất là sự chia sẻ, đồng hành của chính quyền các cấp thông qua những quyết sách “vì dân”. Câu chuyện bên lề của các đoàn công tác đến Quảng Ninh tìm hiểu kinh nghiệm phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, thường sẽ kết lại là “không bì được với Quảng Ninh, tỉnh giàu làm gì chả được!”. Tất nhiên không bì, không so sánh nhưng cách làm của Quảng Ninh là những sáng tạo rất riêng có nên Trung ương mới yêu cầu phải tổng kết thực tiễn để xây dựng thành những chính sách chung cho cả nước. Nếu không từ nghị quyết đầu tiên quyết tâm về đích xây dựng nông thôn mới trước cả nước 5 năm với phương châm ngân sách nhà nước làm “vốn mồi” để huy động sức dân thì Quảng Ninh sẽ không có được những thôn, xã nông thôn mới kiểu mẫu hôm nay. Nếu không có quyết tâm trong 3 năm (2017 - 2019) phải hoàn thành việc xóa các thôn, xã đặc biệt khó khăn bằng Đề án 196 thì Đại hội XIII của Đảng sẽ không chọn Quảng Ninh báo cáo trước Đại hội về chủ đề “Phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng miền”.

Cover

Nông thôn phát triển được một bậc thì đô thị sẽ tiến được 3-5 bậc, vậy đột phá nào để thu hẹp được chênh lệch vùng miền? “Thứ nhất, phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, bảo đảm liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng và nội vùng, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các mô hình sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Thứ hai, phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập ổn định cho lao động, nhất là lao động trẻ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Thứ ba, phát triển du lịch cộng đồng bền vững và thương mại biên giới ở những nơi có điều kiện” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký đã rất say sưa khi nói về 3 đột phá cốt lõi của Nghị quyết 06 vừa được BCH Đảng bộ tỉnh ban hành sát ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. “Nghị quyết phát triển bền vững kinh tế-xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng-an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 là lời cam kết, lời hứa với nhân dân, cử tri ở vùng phên dậu rằng Quảng Ninh không để ai bị bỏ lại phía sau, mọi người dân đều được hưởng thụ thành quả phát triển của tỉnh. Nhân dân đã trao cho chúng ta chiếc vương miện của lòng tin, vì vậy cấp ủy, chính quyền phải thêm công, bù sức để vương miện đó phải là đá hoa cương, là cẩm thạch ngày càng tỏa sáng hơn nữa”. 

Ảnh trong văn bản

Nguyễn Đức Tiệp một người bạn của tôi vừa được bổ nhiệm Phó trưởng Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư tỉnh thông qua hình thức thi chức danh lãnh đạo, là một trong những người đã về Quảng Ninh nuôi dưỡng ước mơ theo chính sách thu hút nhân tài của tỉnh. Là tiến sĩ du học từ Nhật Bản về, đang làm giảng viên một trường đại học có tiếng ở Hà Nội, Tiệp đóng gói hành lý về Quảng Ninh - cũng là nơi “chôn nhau cắt rốn” của cậu ấy với khát khao được đem kiến thức tiếp nhận từ một đất nước phát triển nhất thế giới, đem kinh nghiệm của một người nghiên cứu khoa học, kỹ năng của một giảng viên đại học về cống hiến cho quê hương. Khi Tiệp kể sẽ làm đề án tham gia thi chức danh Phó trưởng Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư của tỉnh, tôi nghĩ ước mơ xanh của cậu ấy đã được gieo trồng trên mảnh đất đủ đầy dưỡng chất.  Mảnh đất dưỡng chất đó chứa đựng trong mình sức mạnh của tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”, của những nét văn hóa đặc sắc vùng đất tụ khí linh thiêng từ đỉnh thiêng Yên Tử, từ những cảm xúc thăng hoa được dung dưỡng bởi vẻ đẹp lung linh, huyền ảo, duyên dáng, mộng mơ của Vịnh Hạ Long... tạo nên tính cách hào sảng, tinh thần luôn luôn đổi mới, không ngừng sáng tạo của người Vùng mỏ. Năm 2020, trong hàng nghìn bài báo viết về sự đổi mới, đột phá của tỉnh Quảng Ninh đúc kết hành trình 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), những mô hình như: Cơ quan xúc tiến đầu tư chuyên nghiệp để cải tiến quy trình tiếp cận, hỗ trợ cho nhà đầu tư; trung tâm phục vụ hành chính công; hợp nhất cơ quan song trùng chức năng, nhiệm vụ; nhất thể hóa chức danh, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”... được phân tích đến chân tơ kẽ tóc và mã hóa bằng ngôn từ đến công chúng với sự nhìn nhận, đánh giá thực sự khách quan, xác đáng. 

Cover

“Quảng Ninh có cả những yếu tố “thiên tạo” như Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, vùng mỏ (than), địa chất, địa mạo; có những yếu tố “nhân tạo” như di sản Yên Tử gắn với Phật phái Trúc Lâm, mạng lưới di tích lịch sử - văn hóa, Thương cảng Vân Đồn; có những yếu tố thuộc về cốt cách, con người Quảng Ninh, nhất là truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của Vùng Mỏ anh hùng, cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam. Đây chính là những lợi thế so sánh riêng có mà tư duy lãnh đạo các thế hệ của tỉnh đã nhận diện đúng, trúng và có chính sách can thiệp phù hợp để biến tiềm năng thành động năng, cao hơn là chuyển hóa thành nguồn lực và động lực cho phát triển” - Nhà báo Nhị Lê, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, viết trong một bài báo của mình.  Biến tiềm năng thành động năng, thành nguồn lực, động lực cho sự phát triển đã được Quảng Ninh chứng minh bằng những con số về kết quả tăng trưởng GRDP, về các chỉ số năng lực cạnh tranh, số thu ngân sách, tổng thu nhập bình quân đầu người… đều đứng trong top đầu của cả nước. Đọc lại những bài báo phân tích, đánh giá về kết quả sau hơn 35 thực hiện đổi mới của tỉnh Quảng Ninh, nhất là những đột phá, sáng tạo của tỉnh trong 10 năm trở lại đây, tôi nhớ bài viết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, đăng trên Báo Quảng Ninh ngày 1/1/2015: “Chúng ta hãy định vị lại Quảng Ninh trong chuỗi giá trị quốc tế và quốc gia với triết lý phát triển dựa vào 3 trụ cột là Con người - Thiên nhiên - Văn hóa để phát triển “xanh”; dựa vào kinh tế tri thức, khoa học công nghệ, danh lam thắng cảnh, văn hóa, truyền thống lịch sử… để phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao. Hãy hòa mình trong không gian phát triển “Một tâm - hai tuyến - đa chiều - hai mũi đột phá”; dựa vào nguồn lực bên trong là chiến lược cơ bản; lâu dài và không thể thiếu được nguồn lực bên ngoài vì nó là quan trọng và đột phá.”

Cover

Quảng Ninh phát triển hôm nay đang đi trên 3 trụ cột và không gian phát triển “Tâm - tuyến” đã được chỉ dẫn từ những năm trước và tiếp tục hành trình vững chãi trong mỗi quyết sách và hành động. “Bụi than phủ dày tuổi thơ tôi”, những đường ray để tàu chở than đi qua trung tâm thành phố, những địa danh như Kho than, Nhà máy sàng tuyển, dốc Ba Toa… chỉ còn là ký ức của các thế hệ 7x, 8x về thị xã Hòn Gai nhỏ bé năm nào.  Quảng Ninh hôm nay hiện đại, quy củ, ngăn nắp, sạch sẽ, là nơi giao thoa vẻ đẹp thiên nhiên, con người, văn hóa trong xu thế hội nhập và phát triển. Đô thị xanh, sạch đẹp, nông thôn, miền núi, hải đảo là những miền quê đáng sống. Kinh tế-xã hội phát triển đột phá, đạt được những thành tựu toàn diện, là một địa phương luôn nằm trong top dẫn đầu của cả nước, với mức tăng trưởng GRDP trong 10 năm qua luôn đạt trên 10%. Các chỉ số đo lường năng lực cạnh tranh cấp tỉnh như PCI, PAPI liên tục giữ vị trí quán quân nhiều năm liền. Sự phát triển của nền kinh tế chuyển hướng hoàn toàn từ “nâu” sang “xanh”. Hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông lột xác ngoạn mục. Từ địa bàn không đường cao tốc, không sân bay, không cảng biển quốc tế trở thành một địa phương hội tụ đủ những yêu cầu về hạ tầng giao thông hiện đại nhất, hiện thực hóa những ý tưởng, khát vọng lớn trở thành một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc, cánh cửa mở, cửa ngõ đối trọng xứng tầm của ASEAN với Trung Quốc.  Điều gì quan trọng, bao trùm nhất làm nên một Quảng Ninh hôm nay và tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực, quốc tế trong 10, 15 năm tới? 

Cover

Ca sỹ Ngọc Anh, cô “Sơn ca đất mỏ” năm nào kể: Mỗi lần hát bài “Quê em”, em chỉ muốn tiếng hát của mình vang, vọng thật xa, thật xa “Nếu anh chưa đến quê hương em, anh sẽ không tin lời em nói đâu”… Chúng mình không tô thêm nét vẽ bởi Hạ Long đã quá mộng mơ và diệu kỳ, lời ngợi ca quê hương vùng Than không chỉ ở những người con sinh ra, lớn lên được mẹ cha “chôn nhau cắt rốn” nơi đây mà hàng chục nghìn công nhân Mỏ đang sống và làm việc trên những tầng than, lò sâu đều đã là một phần quan trọng của Quảng Ninh, họ đã lan tỏa niềm tự hào được sống và làm việc ở vùng Than.  2 năm nay trong dịch bệnh toàn cầu Covid-19 chúng tôi đã được sống ở nơi an toàn nhất. Cơn bão Covid-19 dù đã quét qua thành phố của tôi nhưng những đối sách ứng phó như thần tốc truy vết, thần tốc xét nghiệm, thần tốc cách ly, giữ vững địa bàn an toàn, thực hiện thành công “mục tiêu kép” đã đem lại sự bình yên cho vùng đất phên dậu của Tổ quốc, cũng là bảo vệ vững chắc vị trí tiền đồn của đất nước. Ngày mai 23/5, trong không khí phấn khởi, náo nức của hàng vạn cử tri đất Mỏ về Ngày hội non sông, chúng tôi tin tưởng mình được đi thực hiện quyền công dân một cách an toàn nhất.  

Cover

Bài học địa lý đầu tiên tôi được mẹ dạy là vẽ bản đồ đất nước. Chấm bút đầu tiên trên bản đồ là mũi Sa Vĩ! “Học đi em. Học đi mà nhớ mãi. Quê hương ta một dải. Từ mũi Cà Mau. Đến địa đầu Móng Cái. Quê hương ta đồng ruộng phì nhiêu. Đủ bốn mùa hoa trái. Núi Trường Sơn vĩ đại. Bờ biển rộng bao la” đã thổn thức từ trái tim của mẹ tôi - cô giáo trường làng đến tâm hồn biết bao thế hệ học trò khi đặt nét bút đầu tiên vẽ bản đồ đất nước trong tình yêu Tổ quốc linh thiêng! Số phận con người được chuyến xe cuộc đời sắp đặt rất lạ kỳ. Từ vùng đất thành Đông tôi “an cư, lạc nghiệp” để sống cuộc đời an nhiên ở miền đất địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc. Tôi đã là người Quảng Ninh! Quảng Ninh đã nằm trọn trái tim tôi!

Lan Hoàng

Đồ họa: Hùng Sơn