Ngan đen - đặc sản vùng cao Bình Liêu

Đến Bình Liêu bên cạnh việc thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên kỳ thú, trải nghiệm những nét đẹp văn hóa độc đáo của người dân tộc vùng cao, có một điều bạn không nên bỏ qua khi đến đây, đó là thưởng thức ẩm thực đặc trưng của Bình Liêu, trong đó có các món ăn được chế biến từ ngan đen...

Theo những hộ gia đình nuôi ngan đen lâu năm thì ngan đen là giống ngan bản địa, có từ lâu đời, không ai biết được nguồn gốc, xuất xứ của giống ngan này. Từ lâu nó đã trở thành gia cầm phổ biến trong các hộ gia đình. Về cơ bản thì ngan đen không khác gì giống ngan dưới xuôi. Đặc điểm dễ phân biệt nhất chính là màu lông đen tuyền toàn thân của giống ngan này. Không chỉ vậy, điều làm nên sự khác biệt, “thương hiệu” ngan đen chính là chất lượng thịt rất chắc, thơm, ngọt.

Theo lý giải, ngoài yếu tố giống bản địa, ngan đen có được chất thịt thơm ngon đặc biệt chính là nhờ cách chăn nuôi của đồng bào dân tộc ở Bình Liêu. Ngan đen được chăn thả gần như hoàn toàn tự nhiên ở trên các cánh đồng, vườn tược hoặc bơi tự do tìm thức ăn ở các khe suối vốn phổ biến ở vùng cao này. Người chăn nuôi chỉ cần bổ sung một phần thức ăn từ thóc, ngô, khoai, rau hoặc phụ phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, thời gian nuôi ngan đen thường kéo dài ít nhất 7-8 tháng cho tới 2-3 năm hoặc lâu hơn, gấp đôi thời gian so với việc chăn nuôi các loại ngan thường hoặc gia cầm khác. Hiện ngan đen được chăn nuôi theo dạng nhỏ lẻ tại nhiều xã ở Bình Liêu, nhưng tập trung nhiều nhất là ở các xã: Tình Húc, Đồng Tâm… Hộ nuôi ít thì vài con, hộ nuôi nhiều hàng trăm con. Chăn nuôi tốt, ngan đen có thể đạt trọng lượng tối đa từ 2,5-3kg, con đực trên 4kg. Ngan đen có thịt màu nâu đen, thớ thịt chắc, thơm và ngọt thịt, có thể chế biến được nhiều món như: Lọc da xào lăn, nấu măng, nấu lẩu, nướng…

Chủ quán ngan đen Vòng Phắc Phe (xã Tình Húc) chia sẻ bí quyết: Làm thịt và chế biến ngan đen cũng giống như ngan thường và các loại gia cầm khác. Tuy nhiên, để có món ngan ngon cần chọn ngan trưởng thành có trọng lượng từ 2,3-2,5kg trở lên, ngan càng già càng ngon, càng chắc và thơm thịt. Ngan đen có thể chế biến được nhiều món, ngon và phổ biến nhất chính là món ngan hấp với lá mắc mật rừng, xì dầu hoặc luộc với lá gừng hoặc gừng tươi. Nếu chọn được ngan cái là ngon hơn cả, bởi ngan cái xương nhỏ, thịt dày, đặc biệt vị thơm, ngọt hơn ngan đực rất nhiều.

Ở Bình Liêu, trước đây ngan đen chỉ được chế biến trong những dịp đặc biệt, như: Tết Nguyên đán, Cơm mới, ngày lễ, hội… Ngày nay, ngan đen được chế biến nhiều trong các nhà hàng. Nhiều gia đình có điều kiện còn chế biến món khau nhục ngan dùng trong các đám cưới.

Có dịp tham quan vùng cao Bình Liêu, các bạn có thể một lần thưởng thức món ngan đen Bình Liêu ở các quán Voòng Pắc Phe (Tình Húc) hoặc quán Hà Nga (thị trấn Bình Liêu)…