Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục từng là pháp trường ?

Nằm ở khu trung tâm phố cổ sầm uất, Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục mang trong mình những ký ức, lúc thăng trầm khi huy hoàng của lịch sử Hà Nội, cùng sự biến chuyển không ngừng của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Nhưng ít ai biết rằng, cách nay hơn trăm năm, tại đây thực dân Pháp đã hành quyết nhiều sĩ phu yêu nước của dân tộc ta.
Xem video

Khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục trước đây vốn là một bãi đất hoang trồng dừa ven hồ Gươm, dân gian thường gọi là “Vườn dừa”. Sau này, khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, quảng trường được đổi tên thành Place Négrier.

quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục

Thực dân Pháp rất coi trọng vị trí của quảng trường này và xem nó như trung tâm của Thủ đô Hà Nội lúc bấy giờ. Tuy nhiên, sự ưu ái của Pháp dành cho quảng trường Place Négrier nhanh chóng bị chấm dứt bởi các hành động dã man của chúng.

Trong cuốn sách Hà Nội cũ, phát hành năm 1943, nhà nghiên cứu văn hoá Doãn Kế Thiện có kể lại: Nói đến những nơi rùng rợn ở Hà Thành, ngoài cái “hồ xác trẻ” ra, lại còn nơi “cây dừa bêu đầu”. Nơi đó không phải là một nơi khuất vắng, lại chính là một nơi mà bây giờ chúng ta đều cho là chỗ rất phong quang, vui vẻ nhất Hà Thành. Đó là hồ Hoàn Kiếm.

Đó là vì thình thoảng người ta lại treo một cái hay mấy cái đầu lâu của những trọng tù bị trảm quyết vào thân mấy cây dừa ấy, nói là “bêu” để làm gương, cho kẻ khác coi để làm răn. Mỗi khi có một cái đầu bêu ở đó, trên thân cây dừa lại dán một tờ giấy kể rõ tội trạng của kẻ đã bị tử hình ấy cho các người qua lại xem. dân đi qua ai cũng chỉ dám len lén nhìn, ngay cả những đứa trẻ nghịch ngợm nhất cũng không dám nô đùa gần những cây dừa đó. Thi thoảng có một vài người phụ nữ theo thói mê tín cầm những mảnh giấy đến hứng những giọt máu rỏ từ thủ cấp của tử tù rồi mang về dán ở đầu giường vì tin rằng nhờ thế họ có thể trừ yểm được ma Phạm Nhan quấy nhiễu việc sinh nở.

Nhưng cũng có người phụ nữ rất can trường thậm chí dám cắp lấy thủ cấp của tử tù. Chuyện này được nhà văn Doãn Kế Thiện kể lại như sau: Ở tỉnh Đông có hai người bạn, một người họ Đỗ, một người họ Nguyễn. Người họ Đỗ lấy được một người vợ rất xinh đẹp, nết na. Thấy bạn có vợ đẹp, người họ Nguyễn sinh lòng thèm muốn, tìm mọi cách để chiếm đoạt vợ của bạn. Chị vợ có ý nghi ngờ dã tâm này đã cảnh báo chồng nhưng anh chồng không tin.
Một hôm người họ Đỗ đến nhà bạn ăn cỗ, lúc về nhà đau bụng hộc máu tươi mà chết. Chị vợ cho rằng người họ Nguyễn kia đã đầu độc chồng mình liền trình báo quan nhưng người họ Nguyễn đã dùng tiền lo lót, quan trên cho rằng không có chứng cớ rõ ràng nên không xét tội.
Chị vợ thì vẫn cho rằng vì mình mà chồng chết oan và để ngăn cản lòng ham muốn của kẻ xấu nên đã lấy dao vằm mặt mình cho xấu xí đi. Đến khi tay họ Nguyễn kia theo một đảng cướp bị bắt, xử chém bêu đầu ở Vườn dừa bên hồ Gươm, chị vợ liền đến lấy cắp thủ cấp về làm lễ tế chồng nhưng bị lính bắt, giải lên quan. Sau khi nghe rõ sự tình, quan trên đã cho phép chị lấy thủ cấp kẻ thù để làm lễ tế chồng và còn tâu lên triều đình xin cho người đàn bà 4 chữ “Tiết liệt khả phong”.
Để tiêu diệt những người chống đối và khủng bố tinh thần người Việt, thực dân Pháp liên tục cho chém đầu, hành hình những người yêu nước chống Pháp ở Quảng trường Place Négrier. Trong đó phải kể đến sự kiện hành hình của ông cử Tạ Văn Đình năm 1883 và 4 năm sau đó là sĩ phu, thủ khoa Nguyễn Cao.

Năm 1907, một số sĩ phu yêu nước tiêu biểu là Lương Văn Can, Nguyễn Văn Vĩnh đã mở một trường tư mang tên Đông Kinh Nghĩa Thục (trường Đông Kinh – chỉ kinh thành Thăng Long xưa – trường dạy việc nghĩa). Ngôi trường này chủ yếu dạy miễn phí chữ Quốc ngữ cho các học trò thời Pháp thuộc. Không chỉ là nơi dạy học, về sau đây cũng trở thành một địa bàn hoạt động sôi nổi của các sĩ phu yêu nước, chống Pháp khắp Hà Nội và một số vùng lân cận. Để kỉ niệm và tôn vinh ngôi trường này, năm 1945, thị trưởng Trần Văn Lai đã cho đổi tên quảng trường “Place Négrier” thành “Đông Kinh Nghĩa Thục” như ngày nay.

______________

Đại Việt Cổ Phong - 大越古風 - VietnamAncient