Bánh mì mỏ Quảng Ninh

Ở Quảng Ninh, chắc hẳn nhiều người biết và yêu thích món bánh mì mỏ. Tôi cũng vậy, mỗi lần có dịp đi qua tiệm bánh mì mỏ ở gần Công ty CP Than Hà Tu, tôi đều ghé qua mua một vài chiếc về ăn.

Trong ngành Than, việc khai thác than trên khai trường, đặc biệt là trong hầm lò vốn rất nặng nhọc, tốn năng lượng. Vì vậy, giữa giờ lao động, các công nhân có thêm bữa ăn phụ. Thay vì cơm hay các thực phẩm khác rất bất tiện, các đơn vị ngành Than thường phát bánh mì cho các công nhân. Bánh mì được sản xuất ra phục vụ công nhân mỏ làm việc thêm hăng say, hiệu quả. Loại bánh mì này do chính tay những công nhân các phân xưởng đời sống, dịch vụ trong ngành Than làm ra và ngon có tiếng. Bánh mì mỏ là tên gọi chung cho loại bánh mì này.Thơm nức bánh mì mỏ mới ra lò.

Nhắc tới bánh mì mỏ, con em công nhân ngành Than có lẽ đều có chung một miền ký ức tuyệt đẹp về thời gian khó xưa, đó là ngóng chờ cha, anh mình đi làm về để nhận món quà là chiếc bánh mì mỏ thơm ngon, còn nóng hổi. Nhỡ ngủ quên hay thức dậy vào sáng hôm sau, đã thấy ở đầu giường là chiếc bánh mì mỏ mềm, thơm. Đó là ký ức ngọt ngào của bất cứ ai có cha, anh là công nhân mỏ thời đó.

Có lẽ tôi là một trong số ít những đứa trẻ hạnh phúc khi hồi nhỏ được theo dì tôi lên mỏ, chứng kiến công nhân làm việc trên khai trường. Dì tôi vốn làm cấp dưỡng ở Mỏ Hà Tu nên tôi còn được cùng dì tới cấp dưỡng mỏ xem sản xuất bánh mì và nhận bánh mì về cho công nhân ăn ca. Từng chiếc bánh mì thơm nức, vàng ruộm vừa ra lò được đựng trong thúng cói, ủ khăn để trên bàn chờ công nhân làm về. Từ đó tôi mới biết, món quà đặc biệt mà chúng tôi chờ mong chính là bữa ăn giữa ca để tăng thêm năng lượng mà cha anh đã để dành mang về làm quà.

Khác với các loại bánh mì trên thị trường, bánh mì mỏ là loại bánh mì ruột mềm, chắc, đặc ruột, được sản xuất từ bơ, sữa, trứng, đường và bột mì Cái Lân loại hảo hạng. Quy trình sản xuất bánh mì mỏ nay tương đối đơn giản nhờ sự hỗ trợ của máy móc hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, các khâu đánh đảo, cắt bột, lên men, nướng, giữ nhiệt... đều được thực hiện nhờ sự khéo léo của bàn tay công nhân và máy móc. Các mẻ bột được trộn đều từ 20-25 phút, sau đó để 20 phút để bột ngấm chờ nở. Bột được các công nhân khéo tay nặn, vê thành hình những chiếc bánh mì rồi đưa vào lò nướng...

Bánh mì mỏ có vị rất riêng và ngon, nhất là thưởng thức khi nóng với sữa đặc. Lớp vỏ bánh vàng ruộm, giòn tan hòa cùng vị ngọt của sữa thật khó quên. Bánh mì mỏ để nguội, không vì thế mà mất vị ngon, không hề cứng, mà lại có vị ngọt, mềm và đặc biệt là phần ruột đặc, thơm mùi bơ sữa... Chiếc bánh mì mỏ sau hàng chục năm dù có nhiều thay đổi, có thể không còn được như xưa, sự vất vả của công nhân ngành Than cũng giảm đi nhiều, nhưng ký ức về bánh mì mỏ đối với nhiều người vẫn còn nguyên vẹn.

Tạ Quân (baoquangninh.com.vn)