NGÔ HỒNG QUANG & TẤM HỘ CHIẾU ĐƯỢC VẼ BẰNG ÂM THANH CÁC VÙNG MIỀN

Từ tiếng đàn nhị của đồng bằng Bắc Bộ, nghệ sĩ Ngô Hồng Quang lên Tây Bắc để gặp đàn môi, đàn tính, xuống trung du miền biển để thấm được những câu hò, vào Tây Nguyên để hiểu tiếng cồng chiêng…

Tốt nghiệp khoa Âm nhạc Truyền thống tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và từng có thời gian tu luyện tại Học viện Âm nhạc Hoàng gia Hà Lan bằng học bổng toàn phần, Ngô Hồng Quang chọn kết hợp những thanh âm truyền thống của dân tộc với kỹ thuật phương Tây để làm nên ngôn ngữ âm nhạc của riêng mình.

Ảnh: NAK

Anh có ấn tượng thế nào về những âm thanh đầu tiên trong cuộc sống?

Trong nhà tôi, ông nội là người chơi đàn nhị. Lúc bé tôi không hề thích tiếng nhị và không nghĩ một ngày mình sẽ gắn bó với những nhạc cụ mộc mạc đơn sơ như thế. Tôi thích hát hơn chơi đàn, thích trở thành ca sĩ. Tôi thi vào khoa Âm nhạc Truyền thống ở Nhạc viện Hà Nội cũng vì nuôi giấc mộng được đi hát. Nhưng sau vài năm học, khi phân biệt được các phông văn hóa vùng miền khác nhau, tôi bắt đầu thấy chất liệu âm nhạc của Việt Nam rất quý giá. Rồi tôi nhận ra, không có loại hình âm nhạc nào văn minh hơn, bởi mỗi thể loại, mỗi nhạc cụ là tiếng nói văn hóa của một vùng miền. Càng tìm hiểu tôi càng nhận ra, những thứ đó mới làm nên cuốn hộ chiếu thực sự của mình, định nghĩa mình là ai, mình có thể tạo ra được những gì. Hiểu được điều này, tôi đi học tiếng Anh và ôm giấc mơ mang những thanh âm đó đến những vùng xa hơn, rộng lớn hơn.

Giờ nghĩ lại mới thấy, tiếng đàn nhị của ông nội đã dắt tôi đến với âm nhạc và giờ đây gần như không một tác phẩm nào tôi không sử dụng chúng. Tiếng đàn đặc trưng phác thảo không gian êm ả của đồng bằng Bắc Bộ đã dắt tôi lên núi cao Tây Bắc để gặp đàn môi, đàn tính, xuống trung du miền biển để thấm được những câu hò, vào Tây Nguyên để yêu tiếng cồng chiêng… Cứ thế, tôi đã yêu nó từ bao giờ không còn nhớ được.

Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang cùng các em nhỏ ở Khâu Vai, Hà Giang

Ngô Hồng Quang là một nghệ sĩ đa năng. Anh có thể sáng tác, hát và chơi rất nhiều loại nhạc cụ. Anh say mê việc kết hợp chất liệu âm nhạc Việt Nam – từ nhạc cụ dân tộc đến các làn điệu xẩm, chèo, quan họ, dân ca… với văn hóa âm nhạc phương Tây như jazz, world music…

Các album đã ra mắt: – Quang (2007) – Song hành (cùng Onno Krijin, 2011) – Hà Nội Duo (cùng Nguyên Lê, 2017) – Nam nhi (2018) – Nhìn lại (cùng Phan Lê Hà, 2019)

Để có thể yêu và hiểu, đồng nghĩa anh phải nghe nó nhiều và tìm hiểu sâu. Anh đã dành thời gian thế nào để tìm ra những loại nhạc cụ gắn bó với tên tuổi của mình hiện tại như đàn tính, đàn môi, chiêng dây, đàn nhị…?

Từ bé tôi đã thấy mình nhạy cảm hơn người khác về khả năng nghe. Tôi sợ tiếng ồn, đặc biệt là âm vực cao và sắc, vì thế rất sợ tiếng còi xe máy và không hợp chỗ đông đúc, ồn ào. Bù lại, tôi có khả năng chắt lọc âm thanh hơn, có thiên hướng thích những gì mộc mạc, thuộc về tự nhiên, thích sống ở miền núi, nông thôn hơn thành thị.

Các nhạc cụ dân tộc, để hiểu nhạc lý thì rất đơn giản nhưng muốn chơi cho ra chất của nó thì phải hiểu phông văn hóa tạo ra nó là gì. Vì thế, tôi luôn đi tìm chất organic tạo ra không gian sống cho từng loại nhạc cụ mình yêu thích, sau đó mới “phá phách” theo cách của mình.

Mỗi nhạc cụ vẽ ra một điều gì trong tâm trí anh?

Thực ra không phải nhạc cụ mà âm sắc và văn hóa tạo ra âm thanh của nó mới là thứ cốt yếu khiến tôi say mê.

Cây đàn tính trông rất đơn giản nhưng tôi thích sự hoa mỹ và cách luyến láy bay bổng như không gian núi đồi nơi đã sinh ra nó. Âm sắc của đàn tính nhẹ nhàng, da diết nhưng lại có sự huyền bí kết nối với tự nhiên. Muốn chơi được đàn tính phải hiểu được văn hóa người Tày, hiểu được lối hát then, hát mo, hát tiên phản ánh tín ngưỡng kết nối với thần linh của con người vùng đó. Điều đặc biệt là, người Tày nhờ âm thanh của nhạc cụ này để kết nối với cõi thiêng mà họ tin tưởng.

Còn nghe tiếng nhị là có thể hình dung ra dân ca quan họ Bắc Ninh và chèo. Về mặt vật lý, nó chỉ là chiếc đàn hai dây nhưng trong đó có thể chứa đựng rất nhiều không gian văn hóa và âm nhạc. Nghe nhị là thấy rõ sự bình yên của làng quê, cảm giác về một thứ gì đó phẳng lặng, yên ả, gợi nhớ khung cảnh về lời ru, mùa màng bội thu.

Đàn môi là nhạc cụ dùng để giao duyên của người H’Mông. Tôi biết chơi nó trước khi tìm hiểu về văn hóa người dân tộc này. Sau này đi điền dã tôi mới hiểu được vì sao nó lại là nhạc cụ để tỏ tình. Âm bồi của đàn môi tạo ra rộng và đủ sâu để truyền đi được tình cảm chất chứa trong lòng những người muốn kiếm tìm tình yêu khi phải sống ở những không gian cách trở. Khi thấy những người chưa từng gặp mặt có thể nhận ra nhau ở phiên chợ tình qua âm thanh của tiếng đàn, tôi thấy thật sự kỳ diệu.

Còn tiếng chiêng dây gợi ra một không gian hừng hực cả về âm sắc và nhịp điệu, dữ dội và dứt khoát, tương đồng với tinh thần của người Tây Nguyên.

Điều chung nhau của tất cả các nhạc cụ dân tộc là chúng sinh ra để phục vụ đời sống chứ không phải biểu diễn. Vì thế, nó chỉ sống khi tinh thần của dân tộc ấy còn chảy trong huyết quản của con người vùng ấy. Tôi muốn bản hộ chiếu viết tên mình tồn tại như một thực thể sống, bằng những âm sắc của từng cây đàn và bồi đắp bởi sự cộng hưởng giàu có của các vùng văn hóa tôi đã đi và sống.

Ngô Hồng Quang cùng các nghệ sĩ quốc tế trong dự án Building Bridges tại Ascona, Thụy Sĩ

Mang âm nhạc truyền thống của người Việt ra thế giới, anh có gặp khó khăn nào?

Đầu tiên, tôi rất tự tin với những thứ thuộc về mình, tin vào bản hộ chiếu vẽ lên chân dung của mình. Sau đó, dù không dễ chút nào để giới thiệu về những thang âm của bản thân với bạn bè, tôi tuân thủ một nguyên tắc: bỏ đi sự hoa mỹ, đánh đúng nốt để ai cũng có thể hiểu được âm sắc nhạc cụ của mình. Sau khi họ hiểu, tôi bắt đầu thêm thắt những chất liệu Việt và biến tấu trong những tác phẩm đó.

Khi bản thân càng rõ về văn hóa tạo ra âm nhạc của mình bao nhiêu, càng hấp dẫn người nghe bấy nhiêu. Cũng như kiểu, nếu yêu một cô gái say đắm, bạn sẽ kể về cô ấy rất khác với người yêu hời hợt. Tình yêu của người nghe sẽ tự đến sau.

Anh hình dung ra một Việt Nam như thế nào, nếu phác thảo nó bằng âm thanh?

Tính từ Bắc vào Nam, nó là thang âm từ cao xuống thấp, mỗi vùng đều có những âm sắc đặc trưng.

“Tôi luôn đi tìm chất ‘organic’ tạo ra không gian sống cho từng loại nhạc cụ” – Ngô Hồng Quang

Âm thanh chiếm phần quan trọng thế nào trong đời sống của anh?

Giống như việc phải ăn, tôi cần nghe mỗi ngày. Tuy nhiên, vì quá nhạy cảm, nên ngoài âm thanh nuôi dưỡng tâm hồn tôi, có những âm thanh khiến tôi bị stress.

Âm nhạc là biểu hiện cao cấp của âm thanh nên không phải chỉ cần dùng tai để nghe, mà phải sử dụng cả tâm hồn để cảm nhận nó. Vì vậy, khi bản thân càng yên tĩnh, bạn càng nghe được chính xác hơn.

Nếu ví mình như một tiếng đàn, anh nghĩ mình giống âm thanh của loại nhạc cụ nào hơn cả?

Mọi người đều nói tôi như một cây đàn tính và tôi cũng cảm thấy vậy: một thứ gì đó nhẹ và vang. Tuy nhiên, tôi thấy mình còn có chút gằn của tiếng chiêng dây.

Khi ở một nơi mình thấy thoải mái nhất, anh nghe thấy điều gì?

Hơi thở của chính mình! Tôi thực hành tập thở mỗi ngày.

Cảm ơn chia sẻ của anh!