KỲ QUAN MIỀN BIÊN ẢI THÁC BẢN GIỐC CÙNG LÀNG ĐÁ TRĂM NĂM TUỔI KHUỔI KY

Dòng thác đặc biệt trên đường biên giới của Việt Nam – Trung Quốc khi ầm ào dữ dội trong mùa nước lớn, khi lại lơ thơ buông những dòng chảy xanh mát vào mùa khô tạo nên vẻ đẹp hùng vĩ nơi biên cương Tổ quốc.

Khi chiếc xe của chúng tôi bắt đầu chinh phục đèo Mã Phục, ai trong đoàn cũng háo hức hơn bởi cảnh sắc bình yên nơi đây. Con đường nhỏ nằm giữa thung lũng với vách núi dựng đứng hai bên như che chắn và bảo vệ những mái nhà trình tường với mái ngói âm dương đặc trưng của vùng biên. Từ đó trở đi là lúc bạn có thể hạ kính, lái xe chậm lại để tận hưởng không khí trong lành. Cho đến khi thấy cả dòng sông Quây Sơn xanh trong ở phía bên trái và cảm nhận hơi mát của những hạt nước phả vào mặt cũng là lúc đến với thác Bản Giốc – một kỳ quan miền biên ải của đất Việt.

Thác Bản Giốc
Thác Bản Giốc là một kỳ quan thiên nhiên tuyệt sắc của nước Việt
Thác Bản Giốc
Thác Bản Giốc nằm cách Hà Nội chừng 400km.

Theo Wikipedia dẫn các nguồn tin cho hay, thác Bản Giốc là thác nước lớn thứ tư thế giới trong các thác nước nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia (sau thác Iguazu giữa Brazil – Argentina, thác Victoria giữa Zambia – Zimbabwe và thác Niagara giữa Canada – Mỹ). Theo Tân Hoa Xã (Trung Quốc) thì thác Bản Giốc là thác xuyên quốc gia lớn thứ 2 thế giới và là thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á.

Thác Bản Giốc
Toàn cảnh dòng sông Quây Sơn đổ vào dòng thác chính
Thác Bản Giốc
Mùa tháng 12- 4 hàng năm, nước ít nên dòng chảy nhẹ nhàng trữ tình

Thác Bản Giốc trên lãnh thổ Việt Nam thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Từ Hà Nội, có nhiều cung đường khác nhau để có thể tới Bản Giốc nhưng nếu đi thành một vòng cung có thể sẽ thú vị hơn. Ví như có thể đi theo lối Bắc Kạn ghé thăm hồ Ba Bể rồi trở về bằng lối qua Thất Khê, Lạng Sơn hoặc rẽ qua thung lũng Bắc Sơn, Thái Nguyên. Các cung đường đều là quốc lộ lớn, phù hợp cho mọi loại phương tiện từ xe máy, ô tô, thậm chí có thể đi xe khách lên Cao Bằng, rồi bắt tiếp xe bus lên thẳng thác Bản Giốc.

Hồ Ba Bể
Hồ Ba Bể như một “viên ngọc bích’ giữa núi rừng Đông Bắc
Thác Bản Giốc
Bạn có thể đi thuyền tham quan thác hoặc dọc sông Quây Sơn.

Từ Cao Bằng tới Bản Giốc có hai đường, một là theo lối Trà Lĩnh, Tổng Cọt, hai là vượt đèo Mã Phục qua Quảng Uyên. Cả hai lối này đều gặp nhau tại Trùng Khánh, chúng tôi chọn con đường thứ hai bởi đây là đường chính với nhiều điểm dừng chân thú vị. Mã Phục được đánh giá là một trong những cung đèo hiểm trở nhất Cao Bằng, có nhiều giả thiết về tên gọi của cung đèo này. Người nói rằng vì hai bên đường quốc lộ có hai khối đá vôi, thành dựng đứng chầu vào nhau như hai con ngựa nằm phủ phục, người khác lại nói là do địa hình quá hiểm trở với dốc cao đến nỗi ngựa đi tới đây cũng phải quỳ gối nên mới có tên là Mã Phục.

Thác Bản Giốc
Toàn cảnh dòng thác chính nằm giữa đường biên giới của Việt Nam – Trung Quốc

Càng gần tới xã Đàm Thủy, nếu bạn đi vào mùa nước lớn tức là mùa mưa vào khoảng tháng 5 tới tháng 10 sẽ nghe rõ tiếng ầm ào của thác Bản Giốc từ rất xa, nhưng đi vào mùa khô (từ tháng 12 tới tháng 4) sẽ thấy mặt nước sông xanh ngắt cùng dòng thác hiền hòa chảy rất nên thơ.

Cột mốc biên giới 836
Cột mốc biên giới đánh dấu chủ quyền lãnh thổ
Thác Bản Giốc
Người dân vẫn buôn bán cho khách du lịch trên dòng sông Quây Sơn, chân thác

Thác Bản Giốc nằm trên dòng chảy của dòng sông Quây Sơn và được chia làm thác chính và thác phụ. Giữa thác có một mô đất rộng phủ đầy cỏ, xẻ dòng sông thành ba luồng nước. Cột mốc biên giới Việt – Trung nằm ở hai bên của thác chính, theo đó phần thác phụ hoàn toàn thuộc về Việt Nam và phần thác chính chia đôi. Bạn hoàn toàn tự do đi lại ở phần thác phụ này, phần thác chính thì có thể thuê thuyền ở ngay chân thác để họ chèo một vòng quanh khu vực thác đổ xuống nhưng không được đặt chân sang đất liền phía bên Trung Quốc (khi chưa cho phép).

Thác Bản Giốc
Hiện xung quanh thác Bản Giốc cũng đã có nhiều khách sạn, nhà nghỉ, homestay phục vụ cho du khách lưu trú
Thác Bản Giốc
Phần thác phụ nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Việt Nam

Sau khi tham quan một vòng thác chính, chúng tôi lên đường trở ra động Ngườm Ngao dài tới hơn 2km trong lòng một quả núi lớn. Trong động có rất nhiều nhũ đá, măng đá với hình dạng phong phú và đẹp mắt. Ngườm Ngao theo tiếng Tày có nghĩa là động Hổ, tương truyền ngày xưa có nhiều hổ sinh sống trong hang động này.

Động Ngườm Ngao
Động Ngườm Ngao có chiều dài chừng 2km như là một kỳ quan trong lòng đất
Động Ngườm Ngao
Rất nhiều hình thái địa chất phía trong động Ngườm Ngao

Bên cạnh đó là làng đá Khuổi Ky của đồng bào người Tày với những ngôi nhà sàn bằng đá được hình thành từ cuối thế kỷ XVI khi nhà Mạc lên vùng đất Cao Bằng xây dựng thành quách để bảo vệ biên cương đất nước. Lúc này, những ngôi nhà sàn bằng đá đã được xây dựng lên như một “pháo đài” độc nhất vô nhị. Những bức tường đá kiên cố được hình thành bởi những viên đá có nhiều kích cỡ được xếp lèn vào nhau, sử dụng thêm chất kết dính được làm từ hỗn hợp đá vôi trộn cát; khi hoàn thành, độ dày bức tường có thể dày hơn 30cm, thể hiện rõ tính bản địa, sự sáng tạo độc đáo của đồng bào Tày.

Làng đá Khuổi Ky
Những ngôi nhà sàn bằng đá của đồng bào người Tày ở làng Khuổi Ky
Động Ngườm Ngao
Thạch nhũ độc đáo trong động Ngườm Ngao

Làng Khuổi Ky hiện có 14 căn nhà sàn bằng đá, trải rộng trong khuôn viên chừng 1ha, dựa lưng vào núi đá, mặt nhìn ra dòng suối Khuổi Kỵ. Có lẽ đây là một nét đặc sắc riêng của người Tày vùng Trùng Khánh, tương tự như nét tín ngưỡng tâm linh về đá của họ. Đá được coi như một vị thần tượng trưng cho sự lâu bền, vững chắc, giúp che chở những khắc nghiệt của thiên nhiên; người dân ở đây có tục thờ thần đá, lập miếu thờ xung quanh các tường bao bằng đá, tế lễ cảm tạ thần đá hàng năm