Non Nước Cao Bằng

"Em về nuôi cái cùng con

Để anh đi trẩy nước nước non Cao Bằng..."

Thủa bé, khi nge mẹ ru em như vậy, tôi nghĩ Cao Bằng phải là nơi sơn cùng thuỷ tận, mịt mù xa lắc và thầm nhỉ "lớn lên nhất định mình phải tới đó". Mơ ước lớn dần theo năm tháng. Tôi đã đến Cao Bằng - Không phải một mà nhiều lần. Vùng đất đậm đặc văn hoá với nhiều thắng cảnh đẹp.

Đến Cao Bằng chỉ có thể đi đường bộ, nhưng có nhiều tuyến đường để lên Cao Bằng.

Một là theo quốc lộ 3 lên Thái Nguyên, Bắc Kan;

hoặc theo đường 4A từ Lạng Sơn qua;

hoặc theo đường 34 từ Hà Giang xuống.

Lần nào đến Cao Bằng tôi cũng nhờ nhà văn Hoàng Quảng Uyên - anh em vẫn gọi là "Nhà Cao Bằng học" làm hướng dẫn. Thị xã Cao Bằng khá sầm uất, là nơi gặp gỡ của ba dòng sông: sông Bằng - sông Sóc - sông Hiến. Thị xã có pháo đài cổ, do kỹ sư Đức thiết kế, xây dựng từ năm 1941 - 1943, là cứ điểm chiến lược để khống chế toàn bộ thị xã Cao Bằng, được xem là một trong những pháo đài đẹp và kiên cố nhất Đông Dương. Pháo đài có điện tích 10ha, tường đá hộc cao từ 6-10m rất kiên cố. Hệ thống phòng ngự có bốn cụm hoả lực chính với lô cốt mang dáng dấp sư tử rình mồi, các công sự liên hoàn và có cầu rút bít kín cổng để cố thủ khi cần. Hè 1950, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đến thị sát mặt trận Cao Bằng chuẩn bị cho chiến dịch Thu - Đông 1950. Từ thực tế, kế hoạch tập trung hoả lực đánh vào pháo đài cổ hiện nay bị huỷ bỏ. Thay vì đánh ông kiên, chiến thuật được chuyển thành "điệu hổ ly sơn" và "đánh điểm diệt viện", với chiến thắng Đông Khê và Thất Khê giòn giã. Pháo đài cổ giờ là doanh trại của Tỉnh đội Cao Bằng. Mấy dãy nhà tập thể và những dãy nhà mới phá vỡ toàn bộ cảnh quan vốn có. Tiếc cho một di tích và buồn cho sự lãng phí tài nguyên du lịch.

Từ Cao Bằng theo đoạn cuối của đường Hồ Chí Minh dài 52 km qua Hà Quảng là đến Pác Pó. Có dịp đến đây, bạn nên ghé đề Kỳ Sầm Đại Vương thờ Nùng Chí Cao, anh hùng bản địa từng phá Tống lừng danh vào thế kỷ XI. Hà Quảng là quê hương của anh Kim Đồng (Nông Văn Dền), đội thiếu niên Tiền phong đầu tiên của Việt Nam, hy sinh khi đang làm nhiệm vụ giao liên. Tại mảnh đất Kim Đồng ngã xuống, có khu di tích - mộ và tượng đài của anh Kim Đồng khá đẹp.

Tới đây mới biết bài hát:

"... Dấn bước ra đi Kim Đồng lên chiến khu !"

có đoạn chưa hợp lý. Nhà của Kim Đồng ngay chiến khu Việt Bắc, thì đâu cần phải "dấn bước ra đi ;)" đâu nữa !.

Dọc đường vẫn còn những guồng nước và cuối nước giã gạo vận hành bằng nươc suối, hình ảnh của một vùng quê thanh bình; ngược dòng con suối trong xanh ngọc bích uốn lượn quanh những ruộng lúa, nương bắp (Bác Hồ đặt tên là Suối Lê Nin). Đường vào quanh co, hết lên rồi lại xuống, len lỏi giữa rừng cây. Hang Pác Pó (có nghĩa là Miệng Nguồn) nằm trong dãy đá vôi sát biên giới Việt Trung, rộng chừng 4-5m và cao độ 10 mét, có nhiềun ngách. Có gió và nắng có thể vào chơi thoải mái.

"Văn phòng" của Bác tại đây là bộ phản gỗ đơn sơ kê bằng mấy khối đá. Năm 1977, Jon Fitzgerald Kennedy - Con trai tổng thống Hoa kỳ Kennedy, khi đến đây đã phát biểu

" Tôi đứng nhìn xuống hang nhỏ và không thể tìm được câu trả lời. Rằng tại sao trong cái hang ẩm thấp và tối tăm như thế mà ông Hồ Chí Minh lại nghĩ ra cả kế hoạch giành lại đất nước của mình"

Jonh nằng nặc xin ngủ lại 1 đêm trong hang Pác Pó. Yêu cầu không thể đáp ứng, John đành ngủ phía ngoài nhà bảo tàng, cạnh dòng suối đẹp như tranh để cố hiểu về cội nguồn cách mạng Việt nam.

Hiện nay du khách đến đây có thể chọn hình thức nghỉ lại trong nhà bà con dân tộc (homestay). Tôi đã ở chung với 1 gia đình Tày, rất thú vị và cũng đã "liều mạng" nhảy xuống tắm suối Pác Pó (còn gọi là suối Lê Nin). Suối mát lạnh, nước trong veo cuộn chảy, xát vào người như massage. Bao nhiêu mệt nhọc đều tan biến và buổi cơm trưa dân dã hôm ấy ở Pác Pó cực ngon.

Đến Cao Bằng, chí ít du khách cũng phải dàn 1 ngày 1 đêm cho cụm danh thắng hồ Thang Hen - Động Ngườm Ngao - Thác Bản Giốc.

Thang Hen (có nghĩa là Đuôi Ong) là một trong 36 hồ nước ngọt trên núi Trà Lĩnh, chiều dài từ 500- 1000m, chiều rộng từ 100-300m, ở độ cao trên 1000m so với mặt nước biển, bao quanh bởi những tán rừng già và vách đá cheo leo. Đầu nguồn Thang Hen là suối Củn có hang rộng như miệng rồng khổng lồ ngày đêm nhả nước ào ào. Không giống nhiều hồ khác, mỗi ngày Thang Hen có 2 đợt thuỷ triều lên xuống và quanh năm nước xanh biếc. Nên có thể, du khách nên ở lại đêm, nhất là vào mùa trăng để thưởng ngoạn cảnh quan tuyệt vời và thưởng thức các dịch vụ độc đáo ở đây. Từ Thang Hen - chỉ di chuyển vào cây số là đến động Ngườm Ngao (có nghĩa là động hổ, hoặc động Cọp). Theo khảo sát của hiệp hội hang động Hoàng gia Anh, động Ngườm Ngao có độ dài 2.144 m với 3 cửa chính là Ngườm Ngao, Ngườm Lồm, và Bản Thuôn. Tương truyền rằng, thủa xưa vùng này có rất nhiều cọp, ngày chúng sống trong hang, đêm ra ngoài bắt gia súc.

Tôi đã nhiều lần đến các hang động ở Phong Nha, Hạ long nhưng vào Ngườm Ngao vẫn ngạc nhiên đến sững sờ. Phong Nha là động trên sông, Hạ Long là động trên Biển, còn Ngườm Ngao là động trên núi.

Không hoành tráng lộng lẫy kiểu xô bồ, màu mè diêm dúa như người ta "trang điểm" cho Phong Nha và Hạ long; Ngườm Ngao có nét đẹp kín đáo mà kiêu sa mê hoặc của sơn nữ. Ngườm Ngao thoải mái để du khách tình tứ với đá, gió đồng mươn man hào phóng. Thiên nhiên đã kiến tạo nên những tác phẩm điêu khắc "trên cả tuyệt vời". Từ những thửa ruộng bậc thang kỳ lạ đến nàng tiêng chải tóc bên suối. Từ hình ảnh chiếc thuyền ra khơi tới búp sen khổng lồ và Tiên Ông, Phật Bà. Có cả rừng đá và vườn thú sinh động, muôn hình vạn trạng.. Tôi rất thích cảm giác đi bộ qua những nương bắp rẫy đậu, nghe hương đồng gió nội dạt dào trong nắng sớm. Với tôi, Ngườm Ngao thực sự xứng danh "Việt Nam đệ nhất động"

Ra khỏi Ngườm Ngao hơn 4 km là Thác Bản Giốc. Cách xa nửa cây số đã nghe tiếng thác đổ ầm ì và thấy bụi nước tung trắng xoá. Bản Giốc là thác lớn thứ tư (có tài liệu ghi là thứ 2 ) thế giới trong số những thác nước nằm trên biên giới giữa 2 quốc gia. Thác có 3 tầng rộng chừng 300m, gồm 1 thác chính và mấy thác phụ. Một nửa thác chính còn lại thuộc Trung Quốc, họ gọi là thác Đức Thiên. Hai bên cùng hợp tác khai thác. Mấy lần đến đây thấy khách Trung quốc nườm nượp, cơ sở hạ tầng và dịch vụ đều ăn đứt Việt Nam. Muốn mua vài thứ quà làm kỷ niệm nhưng đành về tay không vì toàn đồ Trung Quốc. Cao Bằng còn có danh thắng Nghiêu Sơn Lĩnh - di tích lịch sử oanh liệt chống giặc Minh của hào trưởng Bế Khác Thiệu và Nông Đắc Thái, cạnh xã Hồng Việt bên dòng Bằng Giang. Cao nguyên Phia Đén (huyện Nguyên Bình) độ cao bình quân 2000 m có địa hình khí hậu y hệt Sapa nhưng chưa được khai thác, du trước đây từng là nơi nghỉ dưỡng của người Pháp. Thành Bạch Mã, "kinh đô" của Nhà Mạc từ 1593-1677. Làng rèn Phúc Sơn (trên đường đi Trung Khánh) hơn 1000 năm tuổi với những lò rèn thủ công có từ ngàn xưa mà chất lượng hiện đại chưa thể sánh kịp...

Cao Bằng là vùng đất lễ hội quanh năm. Nào lễ hội Đền Chùa, Mời Mẹ Trăng, Lồng Tồng, Thanh Minh, Nàng Hai, Pháo Hoa ... với nhiều đặc trưng văn hoá độc đáo. Ẩm thực Cao Bằng cũng rất phong phú. Các loại đặc sản tiêu biểu như: Bánh khẩu Sli Nà Giàng gồm gạo, nếp, đậu phộng, đường mật ... được làm rất công phu; trứng kiến Cao Bằng (còn gọi là Pẻng Rày) làm từ trứng kiến đen trộn với bột nếp và lá cây vả non. Bánh cuốn Cao Bằng, bánh Coong Phù (bột gạo trộn với đường phèn, gừng, đậu phộng...), bánh áp chảo (bột nếp nhận thịt vịt chiên giòn), bánh Khâu Phảng (gần giống bánh tét), cháo nhộng ong, phở khô chua, lợn sữa quay, hạt dẻ Trùng Khánh, chè dây, chè đắng (những loại chè dược liệu)...

Dẫu đường đi có gập ghềnh khúc khuỷu; dịch vụ còn lắm hạn chế nhưng bù lại người Cao Bằng hiếu khách và chân chất. Tuy đã đến nhiều lần tôi vẫn muốn trở lại Cao Bằng. Muốn được tắm suối nguồn Pác Pó và tắm Thác Bản Giốc; được ngủ lại Thang Hen và dao chơi trên hồ núi, được tái ngộ Ngườm Ngao; được tham dự các lễ hội đặc trưng và thưởng thức nhiều món ăn đầy hương vị cao nguyên Việt Bắc mà chỉ ở Cao Bằng mới có. Nếu biết đầu tư và được hỗ trợ - du lịch Cao Bằng chắc chén sẽ cất cánh, cao hơn chứ không chỉ Cao Bằng hay thua kém các trọng điểm du lịch của cả nước.