#Tet2021 - Những điều Cần Lưu ý Khi Lái Xe Trên đường Cao Tốc

Đường cao tốc là một giải pháp rất hiệu quả trong việc giải toả áp lực giao thông. Tuy nhiên, việc lái xe trên đường cao tốc cũng tiềm ẩn những hiểm hoạ khôn lường, một phần là vì kiến thức và ý thức tham gia giao thông của đa số người dân Việt Nam vẫn còn rất hạn chế. Trong phạm vi bài viết này, mình sẽ chia sẻ với các bạn những điều cần lưu ý khi lái xe trên đường cao tốc và có những so sánh tương quan với việc tham gia giao thông ở những nước phát triển như Mỹ và các nước châu Âu.

Xem nhanh

Hôm rồi mình vừa lái xe từ TP.HCM về Đồng Tháp, ngay sau khi đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Đoạn đường khoảng 200km, nhưng thú thật mình cảm thấy còn mệt hơn lái xe 500km ở châu Âu, mặc dù mật độ giao thông ngày hôm đó không phải là quá đông.

Nguyên nhân của việc này, như mình nói ở trên, đó là do kiến thức và ý thức tham gia giao thông của đa số người dân Việt Nam còn hạn chế, ngoại trừ một số người lái xe rất chuẩn mực.

lai-xe-tren-duong-cao-toc_1.jpg

Dưới đây là một số kinh nghiệm góp nhặt được của mình khi lái xe trên đường cao tốc. Theo mình, một người lái xe an toàn khi lưu thông trên đường cao tốc cần phải đảm bảo những yếu tố sau:

Khi lái xe ở Việt Nam, mình luôn gặp phải 2 đối tượng trên đường cao tốc: người chạy quá nhanh (quá 120km/h) và người chạy quá chậm (dưới 60km/h). Cả hai đối tượng này đều gây nguy hiểm như nhau.

  • Người chạy quá tốc độ tối đa cho phép sẽ gây nguy hiểm cho bản thân mình và người khác vì anh ta sẽ có nguy cơ không xử lý đúng cách và kịp thời khi xảy ra những tình huống bất ngờ. Chất lượng mặt đường ở Việt Nam cũng không phải là quá tốt, vì thế nguy cơ này càng tăng cao khi lái xe trên đường cao tốc ở Việt Nam. Đợt vừa rồi mình đã bị một chiếc xe khác vượt qua rất nhanh khi đang chạy 120km/h ở cao tốc SG-Trung Lương, với tốc độ vượt đó mình áng chừng khoảng 140-150km/h. Tuy nhiên khi vượt qua mình xong, chiếc xe đó gặp phải một đoạn mấp mô ngay phía dưới chân cầu vượt, vì chỗ này bị lún nên tạo ra một cái mô khá là nguy hiểm. Chiếc xe vuốt lên cao, và tiếp đất với chỉ 2 bánh bên phải, vì cái mô đó bị nghiêng từ trái sang phải. Thiết nghĩ, mình đã chạy ở vận tốc tối đa 120km/h rồi, nếu chạy nhanh hơn thì không những phạm luật mà còn gây nguy hiểm cho người thân của mình ngồi trong xe. Ở tình huống này, trừ khi mình đang gặp chuyện vô cùng cấp thiết, ví dụ như vận chuyển bệnh nhân đang nguy cấp thì mình mới cho xe vượt một chiếc xe khác đang chạy 120km/h.
  • Người chạy dưới tốc độ cho phép (dưới 60km/h ở Việt Nam) cũng sẽ gây nguy hiểm cho bản thân mình và người khác vì anh ta sẽ có nguy cơ bị "tông đít" từ phía sau. Khi chạy cùng chiều, người lái xe phía sau sẽ rất khó phán đoán đúng tốc độ của xe đi trước, khi gần đến nơi mới phát hiện ra được. Đa phần là phải thắng gấp rồi lật đật chuyển làn, cái này vô tình lại gây ra một rủi ro khác lớn hơn khi chuyển làn ở trạng thái không chủ động. Đã rất nhiều lần, mình bị một chiếc xe khác vượt lên, xong rồi chiếc xe đó gặp một chiếc xe khác chạy còn chậm hơn mình, thế là anh ta thắng gấp lại rồi chuyển sang lại làn của mình một cách vội vã. Tất nhiên là mình cũng phải thắng lại để tránh tông vào đuôi xe trước. Điều đáng nói ở đây là mình đang đi nhanh (120km/h), chỉ vì chiếc xe ở làn bên cạnh đi quá chậm, cộng thêm một người khác vượt ẩu, làm cho mình phải ở vào tình huống nguy hiểm như vậy.
  • Tóm lại, lái xe quá nhanh hay quá chậm đều gây nguy hiểm cho mình và người khác. Anh em nên tuân thủ đúng luật. Theo mình tốc độ an toàn trên đường cao tốc ở Việt Nam là khoảng 80-120km/h (kể cả xe tải). Chạy chậm dưới 80km/h thì trừ khi bất đắt dĩ, ví dụ như khi xe đang bị sự cố nhẹ, còn nếu không thích chạy nhanh trên 80km/h thì anh em nên đi đường quốc lộ thông thường, không nên lên đường cao tốc vì phải tốn tiền thu phí và còn nguy hiểm nữa. Ngoài ra, anh em nào đi cao tốc SG-Trung Lương nên lưu ý, làn ngoài cùng bên trái, dải tốc độ tối đa và tối thiểu cho phép là 80-120km/h, làn giữa là 60-120km/h, làn trong cùng chỉ dành để đậu xe khi gặp sự cố.

lai-xe-tren-duong-cao-toc_2.jpg

Cái này thì luật không quy định, vì thường thì cả tất cả các lane trên đường cao tốc đều có cùng quy định tốc độ tối đa cho phép, nếu có khác nhau thì chỉ là tốc độ tối thiểu, ví dụ như ở cao tốc SG-Trung Lương. Ngay cả khi không có quy định này, chúng ta cũng nên tự ý thức được xe đi chậm thì nên đi về phía bên phải. Đây là ý thức chung của hầu hết những người tham gia giao thông ở Mỹ và các nước phương Tây.

Làn ngoài cùng bên trái thường chỉ dùng để vượt xe, vượt xong thì lại tấp vào làn trong, khi nào muốn vượt nữa thì lại ra làn ngoài cùng để vượt, không ai chạy khư khư một làn ngoài cùng dù cho xe đó có xịn cỡ nào, vì đó là quy định.

Tại sao đi chậm thì nên đi về phía phải? Tại vì xe đi chậm thường là xe có kích thước lớn hoặc chở nhiều người (xe tải, xe khách, container, xe ben, xe công trình, v.v...). Những loại xe này thường có tốc độ tối đa không cao, khả năng xử lý gấp kém hơn những loại xe nhỏ, quãng đường phanh dài, tầm quan sát phía sau và bên hông xe hạn chế hơn... nói chung là chúng có khả năng gặp nguy hiểm cao hơn. Đi về phía bên phải sẽ an toàn hơn vì nó gần làn đường cứu hộ, có sự cố gì thì dễ tấp vào lề hơn.

Ngoài ra, nếu có sự cố bất ngờ xảy ra, xe đi ở làn giữa sẽ có nhiều lựa chọn hơn để xử lý, do đó khả năng tránh được tai nạn sẽ cao hơn.

Ở Việt Nam, mình rất hay gặp trường hợp xe đi chậm lại đi khư khư ở làn ngoài cùng bên trái. Kết hợp thêm một chiếc xe đi chậm ở làn bên phải nữa thì 2 chiếc xe này đã "khoá" luôn nguyên đoàn xe phía sau, không ai có thể vượt lên được nếu không vượt ở làn cứu hộ. Anh em lưu ý chỗ này nhé, vì như vậy sẽ vừa bất lịch sự, vừa gây nguy hiểm cho mình và người khác.

lai-xe-tren-duong-cao-toc_3.jpg

Đây là 2 động tác bắt buộc phải làm một cách cẩn thận trước khi anh em muốn chuyển làn. Chỉ cần thiếu một trong hai động tác trên là anh em đã vô tình tự đem đến khả năng gây tai nạn cho bản thân mình.

Đã rất nhiều lần mình chứng kiến xe phía trước chuyển làn không xi-nhan, hoặc là xi-nhan cho có lệ, ví dụ qua gần hết làn đường rồi mới bật. Anh em cần lưu ý rằng, khi xảy ra sự cố trên đường cao tốc thì hậu quả sẽ vô cùng nặng nề chứ không phải như trên đường quốc lộ thông thường. Tai nạn liên hoàn có thể xảy ra chỉ vì một thoáng quên bật xi-nhan.

lai-xe-tren-duong-cao-toc_4.jpg

Chạy "2 làn" có nghĩa là 4 bánh xe của bạn không ở trong cùng một làn đường. Khi gặp phải một xe chạy kiểu này, người đi phía sau sẽ không biết xử lý thế nào cho an toàn vì không chắc xe phía trước rốt cuộc là muốn đi ở làn nào hơn, và cảm giác lưỡng lự này sẽ kéo dài cho đến khi xe trước chuyển hẳn vào một làn cụ thể.

Đây là một cách chạy xe vô cùng kém ý thức và bất lịch sự, anh em lưu ý không nên đi như vậy để tránh gặp sự cố không đáng có nhé!

lai-xe-tren-duong-cao-toc_5.jpg

Điều này có nghĩa là bạn chỉ nên chọn một trong hai option sau:

  1. Vượt khỏi hẳn xe ở làn bên cạnh
  2. Ở lại phía sau xe đó với khoảng cách đủ an toàn

Trừ khi gặp trường hợp bất khả kháng như xe đông, di chuyển chậm, anh em rất không nên chạy đồng tốc song song với xe bên cạnh khi đường vắng. Vì khi chạy như vậy, anh em đã vô tình kết hợp với xe bên cạnh tạo thành một hàng rào chắn hết đoàn xe phía sau lại. Mình nên đặt bản thân mình ở vị trí của người chạy phía sau, để có thể hiểu và hành động cho hợp lý.

Rất nhiều lần mình chứng kiến, 2, 3, hay thậm chí là 4 xe ở phía trước chạy đồng tốc và song song, mặc dù đường thoáng và có thể vượt lên. Tức là, để vượt qua những xe này thì chỉ có giải pháp là vượt ở làn cứu hộ, còn không thì phải chờ đến khi những xe đi trước tạo ra khoảng cách đủ lớn để vượt lên.

Anh em lưu ý, trường hợp này là các xe phía trước đều chạy đồng tốc ở tốc độ thấp hơn 120km/h, nếu họ đều chạy ở tốc độ 120km/h thì đó là trường hợp khác nhé!

lai-xe-tren-duong-cao-toc_6.jpg

Như mình đã nhiều lần đề cập ở trên, khi gặp những tình huống "éo le" hoặc kẹt xe, thì nhiều bác tài lựa chọn giải pháp vượt ở làn cứu hộ. Mình hiểu cảm giác khó chịu và nôn nóng của các bác tài này, nhưng mình không khuyến khích giải pháp này.

Vì sao? Vì làn cứu hộ sẽ có những xe dừng lại để sửa chữa hoặc đơn giản hơn là để "tưới cây", xác suất anh em gặp phải những xe này là không hề nhỏ. Một khi đã gặp rồi thì nguy cơ gặp tai nạn sẽ là rất cao vì lúc đó anh em đang vượt, tức là đang chạy tốc độ cao, khả năng xử lý tình huống một cách hợp lý lúc đó sẽ thấp hơn.

Ngoài ra, một điều cần lưu ý khác là anh em chỉ nên dừng xe ở làn đường cứu hộ khi và chỉ khi xe gặp sự cố kỹ thuật, ví dụ như thủng lốp, mất phanh, hoặc các sự cố kỹ thuật khác gặp phải lúc đang lưu thông trên đường có thể ảnh hưởng đến an toàn của chiếc xe. Dừng xe trong làn đường cứu hộ sẽ không đảm bảo an toàn, nếu không nói là có phần nguy hiểm vì bạn sẽ gặp phải những xe vượt phải như mình đã nêu ở trên.

lai-xe-tren-duong-cao-toc_8.jpg

Đây là một yếu tố cơ bản để có thể đảm bảo an toàn trong quá trình lưu thông trên đường cao tốc. Tùy vào tốc độ mà bạn điều chỉnh khoảng cách an toàn với xe chạy phía trước để đảm bảo rằng khi có bất kỳ sự cố nào xảy ra thì bạn vẫn đủ thời gian để phanh và xử lý tình huống một cách an toàn nhất.

Mình có để ý rằng các bác tài ở Việt Nam thường ít khi tuân thủ cái này, nhiều xe chạy rất sát đuôi xe trước rồi lách ra ngoài để vượt cho nhanh. Thật ra, điều này không làm cho quá trình vượt diễn ra nhanh hơn, mà còn làm tăng nguy cơ va chạm vì khi bạn chạy sát xe phía trước, tầm quan sát sẽ bị hạn chế rất nhiều, anh em nên lưu ý điều này.

Muốn vượt nhanh, trước tiên phải có tầm quan sát đủ thoáng.

lai-xe-tren-duong-cao-toc_7.jpg

Việc chuẩn bị sẵn tâm lý và biết trước mình sẽ đi ra khỏi đường cao tốc ở đâu sẽ giúp bạn chủ động trong mọi tình huống. Việc này cũng không quá khó, chỉ cần bạn có sự chuẩn bị. Nếu là lần đầu đi đường cao tốc nào đó, bạn nên tìm trước lối ra ở đâu, nếu lỡ quên thì nên nhờ người đi cùng xe dùng Google Maps hay các apps dẫn đường để tìm.

Nếu không chủ động biết trước lối ra, khi gặp lối ra bạn sẽ bị bất ngờ và sẽ dễ dẫn đến việc chuyển làn đột ngột, điều này sẽ rất dễ gây ra tai nạn. Một lời khuyên chân thành của mình, nếu lỡ bị lố khỏi lối ra, bạn nên chấp nhận và đi tiếp, rồi tìm lối ra gần nhất và quay lại điểm đến dự định ban đầu, tuy hơi cực nhưng vẫn đảm bảo an toàn và cái "cực" này vẫn còn quá nhẹ nhàng so với việc xử lý hậu quả khi có sự cố xảy ra.

Trên đây là những kinh nghiệm lái xe trên đường cao tốc mà mình muốn chia sẻ với các bạn. Nếu còn những kinh nghiệm khác hay hơn, anh em hãy chia sẻ với mọi người trong topic này nhé!

Chúc anh em luôn lái xe an toàn và tận hưởng một cái tết bình an, hạnh phúc!

_______________

Nguồn ảnh Luật Việt Nam, Báo Giao Thông, VECE