Toilet không chỉ là nơi để bạn ngồi giải quyết nhu cầu trong vài phút. Đó còn là nơi thể hiện...

Toilet không chỉ là nơi để bạn ngồi giải quyết nhu cầu trong vài phút. Đó còn là nơi thể hiện tính sạch sẽ, nét tinh gọn, sự tận tình, và lòng tôn trọng với người khác.
Nửa năm trước, mình ra Hà Nội. Thủ đô chào mình bằng một cơn mưa nhẹ, rồi chuyển sang nắng. Bạn nữ chở mình đi vòng khu Ngoại Giao, Phố Cổ, rồi đi ăn. Tô bún chả làm no bụng, ly cà phê trứng gây nghiện, và giọng thủ đô khiến lòng một chàng trai đê mê. Như cục nam châm tàng hình. Nhưng nguồn năng lượng bất tận và sự hưng phấn lại bỗng dưng biến mất… khi mình bước vào cái toilet của một chuỗi quán cà phê thương hiệu nằm ở một khu phố trị giá tiền tỷ cho mỗi mét vuông. Nói tới đây thì có lẽ không cần phải miêu tả thêm. Nếu bạn đã từng đến những nơi quanh Hồ Gươm thì quá hiểu cảm giác. Cảnh đẹp và đồ ăn ngon lại bị cái toilet làm lu mờ. Nhà vệ sinh là thứ có tác động lớn, nhưng ít ai nói công khai.
Mình đi từ Nam ra Bắc và câu chuyện cũng tương tự. Đà Lạt với những đồi thông, gió lạnh, và ly sữa ấm, lại trở nên kém lãng mạn khi màu đen trong nhà vệ sinh đập vào mắt. Tới mức như nhiều người khác, mình chọn vào quán nước, mua một ly, chỉ để dùng tạm nơi tế nhị. Đà Nẵng với bãi Mỹ Khê cát trắng bỗng mất điểm khi mùi hóa chất nhân tạo trong nhà vệ sinh công cộng gây ám ảnh. Cũng như bao lần khác, một là chịu đựng để về đến khách sạn, hoặc tốn thêm chút để vào quán nước. Hội An với trăm căn nhà cổ vàng và lồng đèn giấy, khiến mình hoang mang khi thấy các bạn nữ nhăn mặt sau khi bước ra từ nhà vệ sinh công cộng. Sở dĩ mình chỉ chắc đến nữ khi bàn về vấn đề toilet, là vì khác với nam giới, họ phải va chạm xác thịt khi giải quyết nhu cầu tự nhiên. Còn nửa dân số còn lại may mắn thay, có thể thực hiện hành động tương tự khi đứng, ở một góc cây, cạnh tường nhà, trừ khi quá kẹt. Nó không chỉ là câu chuyện ở các thành phố du lịch, vì ở Sài Gòn cũng không khác. Những quán trà sữa với thương hiệu nghìn tỷ đồng, chuỗi cà phê với trăm chi nhánh, hay quán ăn ở với thực đơn trăm ngàn một món, vì lý do nào đó đã vô tình bỏ quên cái toilet. Nó là nơi ít được dùng, nhưng lại là thứ quyết định ấn tượng. Mình tin rằng, đó không chỉ là sự suy diễn cá nhân, mà là cảm giác của bất cứ thực khách nào. Đồ ăn có thể ngon, nước uống có thể tuyệt, nụ cười của bạn phục vụ có thể thuộc tận đỉnh, nhưng nếu cái toilet dơ thì tất cả những điều đó sẽ trở nên vô nghĩa. Người ta khó mà nhớ đến món ăn nếu bị ám ảnh bởi những thứ trong toilet.
“Văn minh của một quốc gia được đánh giá qua độ sạch đẹp của toilet.” Lời của nhà lãnh đạo Malaysia.
Mình không phải là một chính khách và bạn cũng không cần là một người vĩ đại để hiểu câu trên. Khi bàn về việc xây dựng thương hiệu quốc gia hay phát triển du lịch, các cá nhân ưu việt thường chỉ bàn về những dự án tỷ đô hay chính sách vĩ mô, nhưng cái toilet thì lại bị xếp áp chót ở mục ưu tiên. Thật khó hình dung những cái lớn kia sẽ được hoàn tất bằng cách nào, khi cái cơ bản của con người vẫn chưa được giải quyết. Nếu thường xuyên lên các diễn đàn hay nói chuyện với bạn bè quốc tế, thì sẽ biết điều làm họ ám ảnh nhất khi đến đây chính là cái toilet. Tuy không phải là yếu tố chính, nhưng cũng phần nào giải thích vì sao, chín trên mười du khách không trở lại. Đó là không chỉ là sự thất thoát về doanh thu mà còn là sự suy giảm về hình ảnh. Những cảnh đẹp thiên nhiên kia bỗng dưng phai nhạt bởi một thứ không liên quan gì. Toilet không chỉ là nơi để bạn ngồi giải quyết nhu cầu trong vài phút. Đó còn là nơi thể hiện tính sạch sẽ, nét tinh gọn, sự tận tình, và lòng tôn trọng với người khác. Nhìn rộng hơn, đó là chỗ để một quốc gia xây dựng thương hiệu và lôi cuốn con người. Nói ra không phải để làm một chiến dịch gì đó có tác động xuyên châu lục, chỉ là để khiến chúng ta suy ngẫm.
Tuy không phải là tất cả, nhưng cho thấy ít nhiều. Văn minh bắt đầu từ cái toilet.
IMG_1032.jpg