Hạ Long đẩy mạnh triển khai mô hình “Chợ công nghệ - chợ 4.0”

Trong tháng 8/2022, gần 3.000 tiểu thương các chợ lớn của TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) đã được mở miễn phí các điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.

Đây là một trong những giải pháp thực hiện chuyển đổi số mà TP. Hạ Long đang triển khai nhằm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng theo hướng mô hình “Chợ công nghệ số - chợ 4.0”.

Như tại chợ Hạ Long 1, hơn 1.200 tiểu thương tại chợ Hạ Long I đã được Viettel Quảng Ninh hướng dẫn đăng ký tính năng điểm chấp nhận thanh toán hoàn toàn miễn phí trên Viettel Money và dùng Viettel Money để thanh toán các loại phí tại chợ. Ngoài ra, các tiểu thương được trang bị miễn phí các vật phẩm phù hợp có QR-Code để dùng cho việc thanh toán.

Theo đó, người mua hàng chỉ một thao tác quét mã QR trên điện thoại, ngay lập tức thanh toán được mà không cần dùng tiền mặt. Nhờ đó, tạo sự tiện lợi không chỉ với người dân trong thành phố, mà còn tiện ích với cả du khách, không còn những trở ngại như phải đổi tiền lẻ, tính toán tiền thừa…

Khách hàng thanh toán qua QR Code tại chợ
Khách hàng thanh toán qua QR Code tại chợ

Theo chị Phạm Thị Huyền, hộ tiểu thương chợ Hạ Long 1: “Việc thanh toán bằng mã QR-Code rất nhanh, tiện lợi, vừa lợi ích cho hộ kinh doanh vừa tiện lợi cho khách hàng, giảm thiểu được sự nhầm lẫn khi thanh toán bằng tiền mặt”.

Bên cạnh thanh toán cho các giao dịch khi mua hàng, các tiểu thương có thể dễ dàng thanh toán các loại phí dịch vụ sử dụng tại chợ như: Tiền điện, nước, phí vệ sinh môi trường. Với những tiện ích trên mang lại, đây cũng là lý do khiến nhiều chủ cửa hàng tại chợ Hạ Long I nhanh chóng chuyển sang hình thức thanh toán mới.

Trước đó, để các hộ tiểu thương quen với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, đã gần 1 tháng qua, ban quản lý đã phát loa truyền thanh tuyên truyền đến tiểu thương, người đi chợ về chủ trương này, đồng thời cử cán bộ trực tiếp tư vấn, mở tài khoản thanh toán, cài đặt ứng dụng, cung cấp và trưng bày mã QR cho các hộ kinh doanh tiểu thương tại chợ Hạ Long 2 phục vụ nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt.

Nhân viên các đơn vị viễn thông, ngân hàng... hướng dẫn cho các tiểu thương tại chợ
Nhân viên các đơn vị viễn thông, ngân hàng... hướng dẫn cho các tiểu thương tại chợ

Theo anh Hoàng Văn Tuấn - một du khách đến từ TP. Hà Nội cho biết: Tôi rất ủng hộ việc quét mã QR-Code hay chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng của VNPT Mobile Money thay vì trả tiền mặt. Điều này đã giúp tôi thoải mái hơn khi đi chợ, tránh bị đánh rơi khi mang quá nhiều tiền hoặc nhầm lẫn khi thanh toán.

Còn tại chợ Hạ Long II và chợ Cái Dăm, từ đầu tháng 8 đến nay, VNPT Quảng Ninh và Ngân hàng TMCP Nam Á - Chi nhánh Quảng Ninh cũng đã tổ chức ra quân mở miễn phí các điểm chấp nhận thanh toán thông qua VNPT Money và Open Banking. Đồng thời, duy trì các quầy hỗ trợ dịch vụ VNPT Money ngay tại chợ để mời khách hàng tham quan, mua sắm cài đặt và thanh toán qua ứng dụng VNPT Money. Điều này không chỉ tạo ra thói quen thanh toán an toàn hơn, mà còn góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số một cách nhanh chóng. Được biết, hiện số giao dịch trực tuyến bình quân hàng tháng của mỗi tiểu thương từ 10 - 20% giao dịch.

Theo ông Lê Trung Nhất, Trưởng Phòng điều hành nghiệp vụ VNPT Quảng Ninh cho biết: VNPT sẽ tặng 30.000 đồng cho khách hàng mở mới ví ngay tại chợ Cái Dăm, cùng nhiều chương trình ưu đãi khác như giảm giá nạp thẻ, quà tặng, voucher, chiết khấu hóa đơn... Đồng thời, VNPT Quảng Ninh cũng tổ chức tư vấn, mở dịch vụ miễn phí và trang bị ấn phẩm có QR-Code tại từng ki ốt trong chợ. “Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ lên kế hoạch để triển khai các dịch vụ này tại các chợ khác trong thành phố” - ông Nhất chia sẻ.

Việc triển khai mô hình “Chợ 4.0” là một trong những hoạt động nhằm cụ thể hóa Kế hoạch về việc triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2022-2025 của UBND TP. Hạ Long. Theo đề án, đến năm 2025, TP. Hạ Long phấn đấu có từ 90% người dân từ đủ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt từ 20-25%/năm. 99% số thu ngân sách nhà nước, 100% số tiền học phí của cơ sở giáo dục và trường học trên địa bàn được thanh toán bằng phương thức không dùng tiền mặt.

Không chỉ tại các chợ, Trung tâm Hành chính công TP. Hạ Long cũng đã tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ công dân thực hiện giao dịch thanh toán nghĩa vụ tài chính đất đai trên Cổng dịch vụ công quốc gia bằng hình thức thanh toán số. Việc thanh toán trực tuyến dịch vụ công đã giúp nhiều người khi tới giao dịch tại Trung tâm Hành chính công thành phố có thêm sự lựa chọn về hình thức thanh toán, góp phần giảm số lần đi lại của người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, tiết kiệm chi phí cho người dân và xã hội cũng như tăng cường việc thanh toán không dùng tiền mặt

Trước đó, tháng 4/2022, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đồng ý đề xuất của Sở Du lịch và Liên ngành Sở Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh xem xét triển khai thí điểm mô hình Khu du lịch thông minh không sử dụng tiền mặt tại Khu du lịch Tuần Châu (TP. Hạ Long).

Tiến Dũng