Kỳ 3: Một Ngày ở “địa Ngục Trần Gian”

Trong 113 năm từ 1862 đến 1975, đã có hàng vạn chiến sỹ cách mạng bị kẻ thù tra tấn và nằm xuống ngay tại Nhà tù Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu). Ngay khi du khách đến thăm quan nơi đây vẫn cảm thấy rùng mình như chứng kiến những cách tra tấn đầy man rợ, thương tâm thông qua những bức tượng được dựng lại.
Kỳ 2: Nữ cựu tù nặng lòng với Côn Đảo
Kỳ 1: Những câu chuyện về chị Sáu linh thiêng

Ám ảnh các mô hình cảnh tra tấn tù nhân

Dẫu đã được học và nghe kể rất nhiều về sự tra tấn dã man, tàn bạo của kẻ thù, nhưng khi tận mắt nhìn thấy những phòng biệt giam, những bức tượng được dựng lại và lời giới thiệu của thuyết minh viên tại Nhà tù Côn Đảo, chúng tôi không khỏi bàng hoàng, kinh sợ. Hệ thống nhà tù với các trại giam Phú Hải, Phú Tường, Khu biệt lập Chuồng bò,… là các phòng biệt giam, các “chuồng cọp” kiểu Pháp với những đòn tra tấn tàn bạo nhất của bọn thực dân nhằm dập tắt ngọn lửa đấu tranh của chiến sỹ cách mạng. Nơi đây đã giam giữ, tra tấn hàng nghìn chiến sỹ cộng sản, trong đó có rất nhiều người đã vĩnh viễn nằm lại với đất mẹ. Bởi vậy Nhà tù Côn Đảo được gọi là “địa ngục trần gian”. Thế nhưng, sự tàn bạo của kẻ thù chẳng thể nào dập tắt được ý chí quật cường, tinh thần kiên trung của họ.

Nhà tù Côn Đảo được Thống đốc Bonard ở Nam Kỳ ký quyết định thành lập ngày 1/2/1862. Tại nơi đây, lần lượt các chí sỹ yêu nước như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn An Ninh… đã bị chúng lưu đày, giam cầm ở đây. Bài thơ nổi tiếng “Đập đá ở Côn Lôn” của Phan Chu Trinh đã mô tả đầy đủ cảnh người tù khổ sai hàng ngày phải đập những tảng đá khổng lổ mang từ núi xuống, dưới cái nắng như thiêu như đốt, song ý chí và quyết tâm của các chí sĩ yêu nước vẫn không hề lung lay.

ky 3 mot ngay o dia nguc tran gian
Đoàn công tác Bộ tư lệnh vùng 2 Hải quân nghe thuyết minh về Nhà tù Côn Đảo.

Đến sau này, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ tiếp tục mở rộng, củng cố các nhà tù ở đây, hình thành các trại biệt giam, “chuồng cọp” khét tiếng với đủ hình thức tra tấn dã man nhất. Nhiều chiến sĩ cộng sản kiên trung nổi tiếng của cách mạng Việt Nam như Lê Hồng Phong, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Hùng đã bị giam cầm, tù đày ở nơi đây và thấm đẫm các đòn thù ác hiểm này.

Theo lời giới thiệu, Trại Bagne 1 (sau đó được đổi thành trại 1- trại Cộng Hòa, trại 2- trại Phú Hải). Trại này rộng hơn 12.000 m2 bao gồm 10 phòng giam lớn, 20 hầm đá biệt giam, 1 khám đặc biệt, hầm xay lúa và khu đập đá. Nơi đây có đặc điểm là giam giữ hàng chục tù nhân trong 1 trại giam với chân bị cùm sắt, không được mặc quần áo, phải ngủ dưới sàn xi măng lạnh lẽo; không chỉ đau đớn vì các đòn đánh bằng đủ thứ dụng cụ, hàng trăm người đã chết vì dịch bệnh kiết lị lây lan, hoành hành.

Biểu hiện dã man cao độ nhất đó là trại giam Phú Tường được xây dựng năm 1940, với 120 "chuồng cọp" rộng chưa đầy 2m2, có chấn song sắt phía trên, và 60 phòng "tắm nắng" không có mái che. Khu biệt giam này từng bị giấu kín hoàn toàn và mãi đến năm 1970, mới bị phát hiện và gây bàng hoàng phẫn nộ công luận và dư luận quốc tế.Ở “chuồng cọp”, mỗi chuồng giam có những hàng song trần ở trên nóc, bên trên là lối đi dành cho cai ngục theo dõi tù nhân. Chúng coi người tù cách mạng không khác gì thú vật. Khi tù nhân khát, cai ngục sẽ đổ ào nước xuống buồng giam chật chội, bẩn thỉu. Đòn thù ác hiểm nhất là kẻ thù đã dùng cây bọc đồng nhọn bổ từ trên cao xuống thân thể người tù; rắc vôi bột làm mù mắt tù nhân.

Theo bà Nguyễn Thị Ni (Tiền Giang), nữ tù chính trị duy nhất còn sống tại Côn Đảo chia sẻ: Tù nhân trong hệ thống Nhà tù Côn Đảo không chỉ bị bỏ đói, bị xiềng xích mà còn bị tra tấn dã man và lao dịch khổ sai như đập đá làm đường, xây dựng cầu tàu, đốn gỗ, lấy san hô, xay lúa, nung vôi,... Lao động vất vả như vậy nhưng chế độ ăn uống vô cùng kham khổ, thậm chí chúng trộn lẫn cơm với cát, sạn, thóc, trấu cho tù nhân ăn. Lao động cực nhọc nguy hiểm, ăn uống kham khổ và đòn roi hiểm độc đã làm hàng nghìn người tù cách mạng chết ở Côn Đảo. Nhiều cuộc đấu tranh đã nổ ra để phản đối chính sách bạo tàn của thực dân Pháp.

ky 3 mot ngay o dia nguc tran gian
Những mô hình dựng lại cảnh các chiến sỹ cách mạng bị bắt làm khổ sai tại Nhà tù Côn Đảo.

Tại Nhà từ Côn Đảo còn có trạm biệt giam của nữ tù nhân. Nhiều nữ tù kiên cường đã dùng đá rạch bụng mình để tuyệt thực trong nhiều ngày nhằm phản ứng việc biệt giam tra tấn đồng thời cũng không giải quyết cả nhu cầu tối thiểu trong vệ sinh cho chị em phụ nữ.

Tù đày, giam cầm là vậy, song ở nhà tù Côn Đảo vẫn nghe kể về những câu chuyện đến kỳ diệu. Đó là có người bị tra tấn, phơi xương, phơi nắng đến chết song vẫn dần hồi tỉnh nhờ nghe bài hát của bạn tù. Trong giam cầm, nhưng những người tù đã bí mật thành lập Chi bộ Đảng để tập hợp, lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại ách thống trị vô nhân đạo, biến nhà tù Côn Đảo thành trường học chủ nghĩa cộng sản. Các chiến sỹ cộng sản vẫn thành lập được các chi bộ, làm được báo, dạy nhau học chữ, dạy hát, dạy thêu, dạy nhau làm cách mạng…

Côn Đảo hôm nay vươn mình trong đổi mới

Tồn tại hơn 100 năm, với đội ngũ các cai ngục khét tiếng, áp dụng đủ hình thức giam cầm, tra tấn dã man nhất; các nhà tù trại giam ở Côn Đảo đã chứng kiến sự hy sinh của hàng ngàn người con ưu tú thuộc các thế hệ của dân tộc. Và biển Côn Đảo đã chứng kiến hàng trăm chuyến vượt ngục thành công và cả những chuyến đi mà người tù mãi nằm lại biển khơi do bị phát hiện hoặc không đủ sức vượt qua dại dương bao la để về đất liền. Máu xương của họ trộn lẫn với cát, biển, với đất đảo anh hùng.

Ngày 10/5/2012, Di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo được Nhà nước xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Lịch sử đã qua đi. Hôm nay, lớp lớp người Việt Nam khi nhắc đến Côn Đảo, ai cũng nao lòng, muốn được đến Côn Đảo một lần để tận mắt chứng kiến và cảm nhận những đớn đau của hàng nghìn chiến sỹ yêu nước kiên cường đã vĩnh viễn nằm lại nơi đây.

Vào nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương sẽ bắt gặp hàng ngàn ngôi mộ đá, mộ gió, trong đó có rất nhiều các ngôi mộ của các liệt sĩ vô danh đang yên nghỉ. Có đi tham quan khu di tích lịch sử nổi tiếng Nhà tù Côn Đảo, chúng ta mới thấy được sự kiên cường, mạnh mẽ và hùng dũng của những chiến sỹ cách mạng của Việt Nam. Quả thực nhà tù Côn Đảo – nhân chứng sống lịch sử năm xưa – đã cho thế hệ sau của đất nước thấu hiểu và cảm nhận được những tội ác của thực dân Mỹ và Pháp một cách chân thật nhất.

Kế thừa truyền thống kiên trung, bất khuất của cha ông, Côn Đảo hơn 40 năm qua không ngừng thay da, đổi thịt. Hệ thống đường giao thông trên đảo được đầu tư khang trang, sạch đẹp. Thị trấn Côn Đảo rợp bóng với những cây bàng cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, resort,nhà hàng mọc lên ngày một nhiều. Côn Đảo đã kết nối với TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ bằng đường hàng không, tàu biển đi về Bà Rịa - Vũng Tàu mỗi ngày tạo điều kiện cho người dân khắp nơi đến tham quan, tìm hiểu lịch sử.

Ngày nay, Côn Đảo là một khu di tích lịch sử cách mạng, là điểm đến không chỉ của người dân Việt Nam mà cả nhiều du khách nước ngoài.Nhiều người tìm về nơi đây để tìm về cội nguồn, nhớ về truyền thống cách mạng thế hệ cha anh, mãi mãi biết ơn những hy sinh xương máu của một thời dân tộc bị xiềng xích. Ở đây, dường như mỗi góc phố, ngôi nhà đến nhành cây, ngọn cỏ đều mang những câu chuyện về lịch sửvà vẻ đẹp của hòn đảo từng là “địa ngục trần gian” đang vươn mình đổi mới trở thành “thiên đường du lịch”.

Minh Khuê

Kỳ cuối: Cây Bàng Côn Đảo: Biểu tượng trường tồn của thời gian