Am Lò Rèn, Đường Tùng, rừng Trúc và Hòn Ngọc (danh thắng yên tử)

Am Lò Rèn, Đường Tùng, rừng Trúc và Hòn Ngọc

Am Lò Rèn, Đường Tùng, rừng Trúc và Hòn Ngọc

Từ chùa Giải Oan, đi theo đường hành hương lên núi khoảng 800 mét, rẽ vào phía trái cách đường hành hương 20 mét, du khách sẽ đến am Lò Rèn. Am xưa nay chỉ còn dấu tích. Đây là nơi rèn đúc các dụng cụ cuốc, xẻng, dao, kéo và các đồ dùng khác phục vụ cho lao động trồng dược liệu, trồng hoa, chế biến thuốc... và cho đời sống sinh hoạt của các Thiền sư và Phật tử ở đây.

 Từ am Lò Rèn, đi tiếp khoảng 200 mét nữa sẽ tới Đường Tùng. Đường Tùng ngày nay là một đoạn đường dài hơn trăm mét, người xưa trồng tùng ở hai bên vệ đường, tuổi tùng đã đến vài trăm năm, thân gốc cây đã thành cổ thụ. Đường Tùng là trục đường chính hành hương lên Cõi Phật. Các nhà khoa học thời nay coi Đường Tùng Yên Tử là hàng cây trồng cổ nhất ở Việt Nam. Nhiều người tin Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông cùng đệ tử của Ngài và các thế hệ tu hành của Thiền Phái Trúc Lâm đã trồng tùng ở đây và nhiều nơi trên núi Yên Tử, năm 2014 còn 247 cây. Cây Tùng biểu trưng sức sống mãnh liệt, khí phách hiên ngang, chính trực của bậc quân tử. Đường Tùng là di sản quý, vừa là chứng tích lịch sử, vừa là biểu tượng văn hóa; thể hiện tình yêu sự sống, tôn trọng và hòa hợp với thiên nhiên - một giá trị cốt lõi của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử.

 Kề bên Đường Tùng là rừng trúc (chữ cổ là “trúc lâm”). Trúc trải khắp núi rừng Yên Tử, suốt từ chân núi lên đỉnh núi. Loài trúc mọc thẳng, sống quần tụ thành rừng, biểu trưng cho sự đoàn kết, kiên cường và sức sống trường tồn. Tên gọi “Trúc Lâm” xuất hiện nhiều trong lịch sử Phật giáo: Tịnh xá Trúc Lâm là nơi Đức Phật Thích-ca từng thuyết pháp. Trúc Lâm Đại Sỹ là hiệu của Trần Nhân Tông. Thiền phái do Ngài sáng lập mang tên Trúc Lâm...

 Phía trái Đường Tùng là Hòn Ngọc, vốn là đỉnh Ngọc thuộc Tổ Sơn Yên Tử. Phía trên Hòn Ngọc là thế đất hàm Rồng có tháp Huệ Quang thờ xá lợi Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông nên Hòn Ngọc được coi như ngọc rồng. Tọa lạc nơi đây có nhiều tháp mộ thờ xá lợi các Thiền sư thuộc nhiều thế hệ tu hành ở chùa Hoa Yên từ thời Hậu Lê: Tháp Tự Tuệ thờ Thiền sư Giác Liễu dựng năm 1758, tháp Chân Bảo thờ Thiền sư Diệu Tường dựng năm 1770, tháp Tĩnh Trú thờ thiền sư Thanh Hát…


Đường tùng nổi tiếng hơn 700 năm tuổi do Phật hoàng cùng đệ tử của Ngài vun trồng đã trở thành con đường hành hương huyền thoại in dấu chân của Phật hoàng, các chư tổ và Phật tử về với các Tổ trong cả ngàn năm qua.

Đường Tùng được công nhận là hàng cây trồng cổ nhất Việt Nam với những “cụ tùng” cổ nay đã trở thành “Thần mộc”, mang linh khí của non thiêng, biểu trưng sức sống mãnh liệt, khí phách hiên ngang, chính trực của bậc thiền nhân, quân tử.

đường tùng yên tử