ĐI TÌM NHỮNG BỨC TƯỜNG NỞ HOA Ở SÀI GÒN

Anh có cái thú vui từ thời học đại học ở Sài Gòn là ngày ngày đi ngắm nhà. Sài Gòn rộng lắm, lại nhiều hẻm chằng chịt như mê cung, nhưng anh mặc kệ chúng dẫn đường chỉ lối. Anh miệt mài đeo đuổi những mảng tường gạch lỗ chỗ ngay mặt tiền những công trình được xây từ năm 1960 – 1970 của thế kỉ trước, đó là Dinh Độc Lập – biểu tượng của kiến trúc thành phố, đó là Thư viện Khoa học Tổng hợp – nơi anh hay đến tra cứu bài vở, và cũng có khi là những ngôi nhà tập thể ở quận 3, quận 5…

Một chung cư cũ đâu đó ở Sài Gòn.

Người ta gọi chúng là gạch bông, gạch thông gió, và những ô gạch anh say sưa đôi khi còn được gọi với cái tên rất thơ: bông gạch. Là gạch mà như những bông hoa, vừa mang vẻ rạng rỡ mới mẻ vừa như chứa đựng sự sống. Từ vùng Vivier ở miền Nam nước Pháp, những bông gạch theo chân người Pháp đến Việt Nam từ cuối thế kỉ 19 để tô điểm cho những căn biệt thự kiến trúc thuộc địa, nhưng càng về sau, người ta mới lại càng thấy, không có nét kiến trúc nào phù hợp với thời tiết ẩm ương xứ sở nhiệt đới bằng gạch thông gió.

Có chúng che chắn, gia chủ chẳng phải lo nghĩ chuyện nắng mưa hắt vào nhà. Cũng chính những lỗ hổng được đúc gọt muôn hình vạn trạng ấy mang lại cho căn nhà sự thông thoáng và nguồn sáng dồi dào tự nhiên. Gạch thông gió đối với anh còn như một thứ tuyên ngôn của kiến trúc hiện đại Việt Nam, một tấm giấy thông hành đưa anh về thời kì đỉnh cao của kiến trúc bản địa, nơi những đường nét cổ điển được đánh thức bằng kĩ thuật đương thời. Ở đó, anh được chứng kiến hàng loạt tòa nhà khắp ba miền Bắc Trung Nam, anh thấy mỗi công trình là một kiểu gạch thông gió, một hoa văn, một chấm phá, một thông điệp văn hóa. Người thợ sẽ phải làm bằng tay từng bông gạch, lắp ghép chúng theo dụng ý của kiến trúc sư, chứ không thể làm đại trà hàng loạt như bây giờ.

Thư viện Khoa học Tổng Hợp Tp.HCM
Khu tập thể 2C Lê Phụng Hiểu (Hà Nội)

Có ai nhận ra những cành trúc thanh cao và bền bỉ ở làng quê Việt Nam đã theo nét vẽ của kiến trúc sư Nguyễn Viết Thụ để điểm tô cho tòa Dinh Độc Lập? Có ai từng dừng lại đủ lâu để nhìn ra họa tiết hình chữ Vạn, Thọ và hình rồng được kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện khéo léo lồng ghép trên mặt tiền Thư viện Khoa học Tổng hợp trên đường Lý Tự Trọng?

Hành trình kiếm tìm hình bóng những viên gạch thông gió của anh đã vượt xa mê cung hẻm ở Sài Gòn. Lần đầu tiên ra Hà Nội, anh nhất thiết phải tìm đến ngắm cho kì được những bông gạch hình đồng xu được kiến trúc sư người Pháp Enest Hebrad trang trí cho Ngân hàng Đông Dương trước kia. Khi ở Huế, anh không thể đếm được bao lần mình nhón chân qua hàng rào Đại học Sư phạm ngay bên bờ sông Hương để trầm trồ mê mẩn những ô gạch hình chữ nhật sáng lấp lánh trong cơn nắng miền Trung. Anh giữ cái thú của mình hồi còn học đại học: lang thang trong thành phố, tìm và chụp ảnh sưu tầm những hành lang được che chắn bởi tường gạch thông gió.

Đại học Sư phạm Huế
Ngân hàng Đông Dương (Hà Nội)
Đại học Sư phạm Huế

Anh hay liên tưởng rằng nếu kiến trúc là bộ mặt của thành phố, thì bông gạch phải là đôi mắt, để khi nhìn vào đó, anh tìm thấy lớp lang những kí ức của một đô thị. Ai đã từng đứng từ phía bên trong để kín đáo quan sát cuộc sống bên ngoài? Những đứa trẻ con nào đã từng chạy nhảy nô đùa trên hành lang phía sau mảng tường gạch thông gió trên khu nhà tập thể kia?

Có một ngôi nhà cũ xây trên đường Lê Lai (Sài Gòn) đã bị phá đi, may sao anh từng kịp đến đó để ghi lại trong tâm trí hình ảnh về những ô gạch thông gió cuối cùng hình cây bút. Căn nhà biến mất rồi anh mới biết, thì ra người chủ cũ của nó là một nhà báo. Anh thấy mình phải tìm kiếm nhiều hơn, trước khi tất cả chỉ còn hiện diện trong những tấm ảnh bạc màu.


ĐI NÀO BẠN!

Đi để đối thoại với bản thể của chính mình.

Đi để kích hoạt tất cả các giác quan.

Đi để tới những nơi mình chưa từng đến, thử những điều mình chưa từng làm, quan sát vạn vật dưới một con mắt khác.

Đi để tham gia bữa tiệc thị giác, nghe những khúc ca gieo trên vách đá, định nghĩa lại hạnh phúc đôi khi chỉ là một miếng ngon vừa đủ.

Đi còn để “Nhìn – Thấy – Yêu – Hiểu” hơn con người, kiến trúc, thanh âm, mùi vị, tất thảy mọi chất thơ trong đời sống… trước khi chúng chỉ còn hiện diện trong những tấm ảnh bạc màu.

Mời bạn bước vào một chuyến du lịch lý thú mà “người dẫn đường” ở đây, không gì khác, chính là tất cả các giác quan của bạn.

See

• Bữa tiệc thị giác trong thành phố

• Chuyển kể dọc đường

• Đi tìm những bức tường nở hoa ở Sài Gòn

Hear

• Về vùng Mông nghe khúc ca gieo trên vách đá

 “loang thoang” xứ Quảng: Đã có bèn B tiếng Quảng chưa?

• Ngô Hồng Quang & tấm hộ chiếu được vẽ bằng âm thanh các vùng miền

Taste

 Hạnh phúc là một miếng ngon vừa đủ

• Từ điển bánh tráng Tây Ninh

Smell

 Mùi hương nước Việt

Hương Tà Xùa trong chén trà của Tân

Nghe mùi trầm hương nhớ thương phố Hội

Touch

Khi tay “nhúng chàm”: Học nhuộm chàm của người Nùng An

Khi tay “nhúng chàm”: Đi Cát Cát học người H’Mông cách nhuộm chàm

• Những đôi tay nhảy múa

• Chạm vào tĩnh lặng

Feel

10 ngày im lặng ở Củ Chi

• Ngôi làng trong mây