KHI TAY “NHÚNG CHÀM”: ĐI CÁT CÁT HỌC NGƯỜI H’MÔNG CÁCH NHUỘM CHÀM

Quế Lan, Founder của thương hiệu thời trang Hoàng Hoa, kể về những ngày cô đi học nhuộm chàm với người dân tộc H’Mông tại bản Cát Cát, Sa Pa.
Quế Lan – Hoàng Hoa – dân tộc H’Mông – Cát Cát, Sa Pa

Tới bản Cát Cát, tìm cửa hàng Maay Indigo. Đây là cửa hàng chuyên bán các sản phẩm nhuộm chàm và thường có các buổi hướng dẫn nhuộm cho người quan tâm. Bạn đến, học cách làm và cầm thành phẩm của mình về.

Ăn sáng xong xuôi với Vân bằng mì tôm rau dớn (một loại dương xỉ rừng) và một miếng thịt trâu gác bếp còn sót lại sau bữa tiệc rượu linh đình tối qua, tôi mang lanh ra sân để nhuộm.

Vân làm một thùng chàm nhỏ, vừa khuấy vừa kể, để làm một thùng chàm rất khó, ngoài kỹ thuật còn xen cả yếu tố… tâm linh. Vân đùa làm chàm phải coi ngày coi hướng, vì chàm dễ hư, nóng quá cũng hư, lạnh quá cũng hư, người đang có chửa lỡ ngó cũng hư. Nước trong thùng lúc vọc lên phải có màu vàng nhàn nhạt và xanh lá thì mới là chàm nhuộm được. Kỳ công là vậy nên người H’Mông họ nâng niu chàm, hầu như ai cũng làm một thùng để nhuộm áo nhuộm khăn. Màu xanh của chàm là cách để người H’Mông đánh dấu, là cách họ được nhận ra, là dấu ấn riêng của họ.

Tôi hăm hở lại gần cái thứ nước màu xanh kỳ diệu ấy, chạm tay vào. Cuối cùng thì tay tôi cũng đã “nhúng chàm”.

Buổi tối cuối tuần, cả bọn chở nhau trên chiếc Wave lên Sa Pa chơi. Trời Sa Pa lạnh, từng nhóm nhỏ người, đa phần là khách du lịch ngồi rải rác ở quảng trường. Chúng tôi ngồi ở công viên sát đó, hoạt động giải trí của hội người lớn tuổi Sa Pa là khiêu vũ. Từng giai điệu nhạc vang lên, nhạc của Elvis Phương, nhạc Quang Linh… nhạc nào đến thì nhảy theo nhạc đó, vui tươi và đầy sức sống.

Cuộc sống dưới bản hàng ngày của tôi suốt một tháng nay chỉ có nhuộm vải, nấu ăn và đi dạo.

Sáng hôm sau tôi đi băm củ nâu để nhuộm. Củ nâu là So dắt tôi lên rừng đào hái. So là đứa khỏe mạnh, nhanh nhẹn như chú nai con, với kinh nghiệm đi rừng, nó di chuyển thoăn thoắt, lần tìm từ rễ đến bụi củ nâu một cách chuyên nghiệp. Tôi theo sau vừa leo vừa thở, vừa cầu mong không bị tuột tay bởi một con rắn bất thình lình nào. Củ nâu không ăn được, chỉ dùng để nhuộm, vải khi ngâm trong nhựa củ này sẽ trở nên dày hơn và ngả màu hồng cam rất đẹp.

Tôi còn thử qua một vài loại nguyên liệu nhuộm khác như tô mộc, hoàng đằng, lá bàng… Mỗi thứ nhuộm lên là một kỳ lạ mới, cái sắc màu tự nhiên mà cỏ cây mang lại, tôi không diễn tả trọn vẹn được sắc nào mà chỉ biết chúng là những gam màu trộn pha rất đặc biệt.

Lúc xong việc, chúng tôi đi dạo trong bản, nhịp sống và thời gian trôi qua chầm chậm, ngày như có vẻ dài hơn. Nhu cầu của con người nơi đây rất thấp, họ chỉ ăn, uống và mua sắm những thứ thật sự cần thiết. Bữa ăn gồm đọt su su, dớn, nấm hay những thức rau rừng sẵn có. Cách mà họ kết thúc một ngày là ngồi quanh bếp lửa, uống rượu thảo quả hay rượu chuối nhà làm, nói chuyện và say.

Phải nói là tôi yêu cái bầu không khí trong trẻo, yêu con người, yêu luôn ngọn dương xỉ và nhánh lan rừng vàng rực ở đây. Thật nhớ những buổi trưa mười hai độ, tôi và Vân dọn cơm ra cái bàn đối diện bụi tre mịt mờ sương, ăn cá suối chiên giòn và nói về những câu chuyện không đâu, chúng tôi chẳng ai nghĩ về gì cả, chỉ biết những ngày ở bản và những điều tươi đẹp này thì không có gì đổi được.


ĐI NÀO BẠN!

Đi để đối thoại với bản thể của chính mình.

Đi để kích hoạt tất cả các giác quan.

Đi để tới những nơi mình chưa từng đến, thử những điều mình chưa từng làm, quan sát vạn vật dưới một con mắt khác.

Đi để tham gia bữa tiệc thị giác, nghe những khúc ca gieo trên vách đá, định nghĩa lại hạnh phúc đôi khi chỉ là một miếng ngon vừa đủ.

Đi còn để “Nhìn – Thấy – Yêu – Hiểu” hơn con người, kiến trúc, thanh âm, mùi vị, tất thảy mọi chất thơ trong đời sống… trước khi chúng chỉ còn hiện diện trong những tấm ảnh bạc màu.

Mời bạn bước vào một chuyến du lịch lý thú mà “người dẫn đường” ở đây, không gì khác, chính là tất cả các giác quan của bạn.

See

• Bữa tiệc thị giác trong thành phố

• Chuyển kể dọc đường

• Đi tìm những bức tường nở hoa ở Sài Gòn

Hear

• Về vùng Mông nghe khúc ca gieo trên vách đá

 “loang thoang” xứ Quảng: Đã có bèn B tiếng Quảng chưa?

• Ngô Hồng Quang & tấm hộ chiếu được vẽ bằng âm thanh các vùng miền

Taste

 Hạnh phúc là một miếng ngon vừa đủ

• Từ điển bánh tráng Tây Ninh

Smell

 Mùi hương nước Việt

Hương Tà Xùa trong chén trà của Tân

Nghe mùi trầm hương nhớ thương phố Hội

Touch

Khi tay “nhúng chàm”: Học nhuộm chàm của người Nùng An

Khi tay “nhúng chàm”: Đi Cát Cát học người H’Mông cách nhuộm chàm

• Những đôi tay nhảy múa

• Chạm vào tĩnh lặng

Feel

10 ngày im lặng ở Củ Chi

• Ngôi làng trong mây